Phát hiện mỏ vàng nhờ… tổ mối
Các nhà côn trùng học nhận thấy rằng mối có khả năng tích luỹ trong tổ của chúng những hạt cát chứa vàng. Nhờ vậy, người ta phát hiện thêm một phương pháp mới để tìm ra các mỏ kim loại quý này.
/
Công trình nghiên cứu được thực hiện tại Liên hợp nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng Australia và đăng trên Tạp chí PLoS ONE và Geochemistry: Exploration, Environment, Analysis.
Các tác giả đã phân tích các tổ mối thuộc loài Tumulitermes tumuli sống tại vùng thuộc một khu vực địa chất Mulart Vell nằm ở phía Tây nước Úc. Đây là một vùng người ta khai thác vàng đã 150 năm nay, nhưng vì đã khai thác không theo một quy hoạch xác định từ trước, các lớp đất đã cứ đổ chồng lấp lên nhau nên hiện rất khó tìm ra được những mỏ mới.
Loài mối Tumulitermes tumuli. |
Những phân tích quang phổ cho thấy hàm lượng vàng tích tụ trong các tổ mối, dưới các lớp đá vôi, là rất cao, trung bình lên tới 5.000 phần tỷ. Các nhà côn trùng học giải thích rằng, mối có khả năng đào vào các lớp đất với độ sâu khoảng 4 mét, từ đó chúng mang lên những hạt chất khoáng, trong đó chất khoáng là vàng ở các vùng có vàng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cách phân tích tổ mối để phát hiện ra các mỏ vàng vừa rẻ nhất, vừa không đụng chạm tới môi trường. Hiện nay, các nhà địa chất đang phải dùng những biện pháp khoan có chi phí cao. Ngoài ra việc phân tích hoá học thành phần của tổ mối có thể xây dựng thành các chỉ số về thành phần địa chất và khoáng sản có ích của từng khu vực.
Công trình nghiên cứu này đã chỉ ra rằng hàm trên của mối tích luỹ magiê, còn ở những lớp Malpighia (Malpighian layer, một trong các lớp của biểu bì) lại tập trung kẽm.
Tiến sĩ Aaron Stewart, một trong tác giả của nghiên cứu, nói: “Hoạt động của mối hàng triệu triệu năm có thể là một nguyên nhân để phân bố các kim loại trên bề mặt Trái đất”.
Bảo Châu
(vietnamnet.vn)