Hào quang kỳ ảo trên tượng Phật Bà
Nằm cách trung tâm TP. Đà Nẵng 10km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693m so với mực nước biển là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Đứng bất cứ ở đâu trên đất Đà Nẵng đều có thể nhìn thấy ngọn núi này. Trong dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho TP.Đà Nẵng.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)
Không biết từ bao giờ, ở Sơn Trà có một địa danh mang cái tên rất huyền nhiệm: Bãi Bụt. Tương truyền, người dân nhiều lần thấy Đức Phật Quán Thế Âm tay bồng hài nhi đi từ phía biển vào, nên gọi nơi đây là Bãi Bụt. Và thật ứng với câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” của dân gian VN, chính quyền TP. Đà Nẵng đã quyết định cấp 12ha đất ở sườn núi ngay phía trên Bãi Bụt để xây dựng chùa.
Ngày 19/6 (âm lịch) năm 2004, chùa Linh Ứng Bãi Bụt được khởi công xây dựng tại đây và là ngôi chùa đẹp nhất, lớn nhất và… trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng. Linh Ứng Non Nước nằm trên hòn Thủy – 1 trong 5 ngọn Ngũ Hành Sơn; Linh Ứng Bà Nà nằm trên chót vót đỉnh Bà Nà – “Đà Lạt của miền Trung” và Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà, án ngữ một góc biển trời Đà Nẵng. Bằng mắt thường có thể định vị được vị trí tam giác của 3 ngôi chùa. Bằng ống nhòm nhìn theo đường chim bay có thể thấy núi và ngôi chùa bên kia…
Đặc biệt, tại chùa Linh Ứng Bãi Bụt có tượng Phật Quán Thế Âm được xem là cao nhất VN (cao 67m, đường kính toà sen 35m, tương đương toà nhà 30 tầng). Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, đôi mắt hiền từ nhìn xuống, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang vươn khơi xa. Trên mão tượng Quán Thế Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.
Tuy bức tượng cao lớn nhưng vẫn được tạc những đường nét mềm mại, nhẹ nhàng, cân đối và tinh xảo đến từng đường viền trang trí ven tà áo
Công trình hoành tráng này do điêu khắc gia Thụy Lam (người mà Hòa thượng Thích Thiện Nguyện trụ trì chùa Linh Ứng Bãi Bụt cho rằng sinh ra để làm tượng cho nhà Phật, rất có Phật duyên…) và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công. Theo dự kiến, đến ngày 19/6 (âm lịch) năm 2010, chùa Linh Ứng Bãi Bụt và tượng Phật Quán Thế Âm sẽ được khánh thành sau đúng 6 năm xây dựng
Thật bất ngờ, Hoà thượng Thích Thiện Nguyện cho biết, tại ngôi chùa này đã và đang xảy ra một hiện tượng “mầu nhiệm”. Đó là hào quang toả sáng trên bức tượng Phật Quán Thế Âm. Cách đây hơn 2 năm, khoảng 11g trưa 16/8/2008, giữa lúc đang thi công phần mão tượng Quan Thế Âm, các công nhân bất ngờ thấy một vầng hào quang toả sáng ngay trên đầu tượng. Ai nấy sững sờ trước cảnh tượng quá đỗi kỳ vĩ chưa từng gặp này. Một vị thầy trong chùa nhanh tay chụp lại được hình ảnh đó, nhưng câu chuyện được giữ kín như giữ một “bí mật nhiệm mầu”
Không ngờ sau đó hiện tượng hào quang toả sáng lại thêm nhiều lần xuất hiện trên bức tượng Quan Thế Âm và cả trên tượng đài Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhân lễ Phật đản năm 2009… Các thầy trong chùa tiếp tục chụp được thêm vài bức ảnh nữa. Các lần khác do những người hành nghề chụp ảnh dạo ở sân chùa chụp được và cúng dường cho chùa. Đến nay, chùa Linh Ứng Bãi Bụt đã sưu tập được 7 bức hình chụp ở 7 thời điểm khác nhau xuất hiện hào quang toả sáng trên tượng Phật Quán Thế Âm…
Lúc 11h ngày 16/8/2008, lần đầu tiên xuất hiện hào quang tỏa sáng khi đang thi công phần mão tượng Quán Thế Âm
Hào quang xuất hiện lúc 10h30 ngày 19/3 (âm lịch) năm 2009
Hào quang toả sáng trên lễ đài Phật đản lúc 10h10 ngày 14/4/2009
Hào quang xuất hiện lúc 10h30 ngày 14/5/2009
Ngày 22/5/2009, hào quang tiếp tục xuất hiện
Hoà thượng Thích Thiện Nguyện trước tượng Quan Thế Âm đang xuất hiện vầng hào quang lúc 11h15 ngày 4/6 (âm lịch) năm 2009
Lần gần nhất ghi nhận hào quang xuất hiện ở tượng Quán Thế Âm chùa Linh Ứng Bãi Bụt là lúc 9h23 ngày 19/7/2009
Thật ra, “hào quang toả sáng” là một hiện tượng thiên nhiên khá kỳ thú, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên bầu trời Đà Nẵng, nhất là từ khoảng cuối xuân đến đầu thu, và có thể nhìn thấy từ nhiều vị trí với nhiều góc độ khác nhau. Còn dưới góc độ khoa học thì đây chỉ là hiện tượng cầu vồng. Tuy nhiên đã có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên giữa hiện tượng thiên nhiên này với vị trí đặt tượng khiến bức tượng Quán Thế Âm ở chùa Linh Ứng Bãi Bụt càng trở nên “huyền diệu” trong tâm thức người xem và du khách xa gần.
Cảm xúc trước hiện tượng này, Hoà thượng Thích Thiện Nguyện đã viết hai câu thơ: “Linh Ứng sở cầu như ý nguyện/ Sơn Trà Bãi Bụt thật hiển linh”. Hoà thượng cũng cho biết, sau lễ khánh thành sẽ tiếp tục xây dựng thêm tượng Phật nhập Niết bàn dài 108m; “Tứ trọng tâm” (gồm “Vườn Lâm Tỳ Ni” khi Phật đản sanh, “Bồ Đề đạo tràng” khi Phật thành chính quả, “Vườn Lộc uyển” khi Phật thuyết pháp và Phật nhập Niết bàn) và giảng đường cho hàng ngàn tăng chúng, phật tử tu tập. Dự kiến sẽ kéo dài trong 4 năm nữa mới hoàn nguyện.
Tuy chưa khánh thành nhưng chùa Linh Ứng Bãi Bụt đã thu hút rất nhiều du khách, phật tử trong và ngoài nước tới dâng hương lễ Phật, tham quan, thưởng ngoạn, nhất là mùa hè. Nhìn ra phía trước là vịnh Đà Nẵng, biển lặng yên đẹp như tranh. Bên phải là một phần bán đảo Sơn Trà với bãi biển tuyệt đẹp viền quanh TP Đà Nẵng. Xa xa là Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm, đèo Hải Vân bềnh bồng trong mây. Sau lưng chùa là núi rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với “chim kêu vượn hú”…
Từ chùa Linh Ứng Bãi Bụt nhìn ra là phong cảnh hữu tình của vịnh Đà Nẵng, khu du lịch Bãi Bụt dưới chân bán đảo Sơn Trà và xa xa là TP Đà Nẵng
Với những nét đặc sắc này, chùa Linh Ứng Bãi Bụt đã vinh dự được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng nhiều vị lãnh đạo cao cấp, nhiều vị quan khách quốc tế đến vãn cảnh chùa và chiêm ngưỡng tượng Phật cao nhất VN!