Sức mạnh khó tin của các tập đoàn gia đình Hàn Quốc
Chaebol – các tập đoàn kinh tế hùng mạnh xứ Hàn do nhiều thành viên trong gia đình sở hữu và điều hành – ngày càng chứng tỏ tầm ảnh hưởng khó lòng thay thế.
“Bóp nghẹt” các doanh nghiệp nhỏ
Bà Lee Bok Sun đã sẵn sàng để đóng cửa tiệm hoa quả mà mình gắn bó suốt 28 năm qua ở Seoul sau khi khách hàng chuyển hết qua mua sắm ở siêu thị mới do một trong các chaebol sở hữu.
Người phụ nữ 63 tuổi buồn bã chia sẻ trong lúc ngồi đếm số tiền kiếm được trong ngày từ một chiếc hộp giày cũ mèm: “Em trai đã đưa cho tôi tiền để mở tiệm bán hoa quả này.
Cậu ấy muốn cảm ơn tôi vì đã dành bao năm làm nghề may, lấy tiền nuôi cậu ấy ăn học đại học. Cậu ấy sẽ không bao giờ xin được việc ở chaebol nếu không có tấm bằng đại học ấy.
Và giờ đây, tôi bị phá sản cũng chính bởi cái hệ thống mà tôi đã làm việc cật lực để giúp em trai đặt chân vào”.
Samsung – một trong những chaebol hùng mạnh nhất Hàn Quốc. |
Kể từ khi bà Lee chuyển tới Seoul, làm nghề may vá khi mới vừa bước sang tuổi 15, các ông lớn như Tập đoàn Điện tử Samsung và Công ty Huyndai Motor đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc từ vị trí 22 nhảy vọt lên vị trí 15 theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Samsung, Huyndai cũng trở thành những cái tên quen thuộc tới từng hộ gia đình trên khắp thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự thành công không hề nhỏ chút nào: khoảng cách thu nhập ngày càng lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vật vã để sinh tồn và tỷ lệ tự tử cao nhất so với các nước phát triển khác.
Kim Woo Chan, một chuyên gia tài chính thuộc Trường Tài chính – Đại học Hàn Quốc, nhận xét: “Đối với người ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc có vẻ vẫn tương đối ổn nhưng vẫn có những người bị mắc kẹt trong sự đổ vỡ của xã hội khi mà sự giàu có của các chaebol chẳng chịu “chảy” đi đâu.
Người dân bắt đầu nhận ra thành công riêng của chaebol không góp phần tạo công ăn việc làm hay chấn hưng kinh tế nội địa như chính phủ từng ca ngợi”.
Thống trị cả nền kinh tế Hàn
Những tập đoàn công nghiệp theo mô hình chaelbol lớn nhất xứ sở kim chi chạm tới gần như mọi khía cạnh cuộc sống của người dân nước này. Ảnh hưởng sâu sắc đó còn được nhân lên gấp nhiều lần nhờ vào đội ngũ nhân viên luôn trung thành với tập đoàn và thường xuyên được hưởng nhiều đãi ngộ tốt.
Ellen Jeon, 33 tuổi, nhân viên bán hàng của Samsung Electronics, hiện đang sống tại Tower Palace, khu tổ hợp nhà ở gồm 3.070 căn ở quận Gangnam được Samsung C&T Corp xây dựng từ 10 năm trước.
Đây chính là công ty thương mại tiền thân của Tập đoàn Samsung ngày nay. Ellen sải bước ra tiền sảnh rộng rãi để tới Starbucks – một chi nhánh do đơn vị bán lẻ Tập đoàn Shinsegae sở hữu. Cháu trai của Chủ tịch Tập đoàn Samsung chính là người điều hành Shinsegae.
Diện đôi giày đế bằng hàng hiệu của nhà thiết kế lừng danh Tory Burch mà Ellen mua tại một cửa hiệu của Shinsegae, cô cầm theo cốc cà phê Starbucks đi về bãi đỗ xe rồi lái chiếc Renault Samsung Motors Co. SM5 đi làm.
Ngay gần nhà Ellen là Trung tâm Y tế Samsung, nơi cô vừa chào đón con trai đầu lòng 2 tháng trước và đúng 1 năm sau đám cưới tổ chức tại khách sạn 5 sao Shilla do con gái cả Chủ tịch Lee điều hành.
Trên đường tới Samsung Digital City ở ngoại ô phía nam Suwon, Ellen đi ngang qua cửa hiệu Jookjeon của Shinsegae, nơi chồng cô từng mua bộ vest đầu tiên của mình mang nhãn hiệu Galaxy – sản phẩm của Cheil Industries Inc. Người giữ vai trò Phó chủ tịch tập đoàn này chính là con gái thứ hai Chủ tịch Lee.
Dĩ nhiên, cả Ellen Jeon và chồng cô đều sử dụng điện thoại di động Samsung.
Trung tâm Y tế Samsung – rất nhiều chaebol lớn ở Hàn đều sở hữu bệnh viện riêng. |
Số liệu thống kê cho thấy, 10 tập đoàn lớn nhất nước này chiếm tới hơn một nửa giá trị của 1.770 công ty niêm yết trên Sàn chứng khoán Hàn Quốc. Và họ tiếp tục lớn mạnh hơn nữa.
Trong vòng 4 năm qua, số lượng công ty có mối liên hệ với 35 tập đoàn kinh tế hàng đầu quốc gia đã atwng gấp đôi lên gần 600, theo báo cáo công bố hồi tháng 2 của Hiệp hội Tự do Thương mại.
Còn số liệu thống kê từ Hiệp hội Công nghiệp Hàn Quốc, lượng hàng xuất khẩu của 30 chaebol lớn nhất chiếm 84% lượng xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2010.
Giảm tầm ảnh hưởng của chaebol
Chính phủ Hàn Quốc luôn phải chịu áp lực kiểm soát các tập đoàn gia đình. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1998 đã buộc nước này phải chấp nhận gói cứu trợ kinh tế từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và làm dấy lên nhiều phản ứng gay gắt giữa sự sụp đổ của các tập đoàn lớn như Daewoo, Hanbo.
Năm 2008, Chung Mong Koo của Huyndai bị buộc tội tham ô và vô trách nhiệm sau scandal bán cổ phiếu dưới mức giá thị trường cho con trai. Chung được hưởng án treo sau khi hứa dành 1 nghìn tỷ won cho việc từ thiện.
Năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha, KIm Seung Youn, 60 tuổi, cũng bị kết án 4 năm tù giam và phạt 5,1 tỷ won sau khi sử dụng quỹ từ tập đoàn công nhiệp lớn thứ 10 Hàn Quốc trả nợ cho công ty tư nhân dưới các tên giả.
Tuy nhiên, dù yêu hay ghét, không người dân Hàn Quốc nào có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các chaebol đối với sự phát triển của nền kinh tế nước này.
Kim Kyung Won, 26 tuổi, nhân viên tiếp thị hiện làm việc tại Seoul, chia sẻ: “Tôi không nghĩ ai đó có thể phủ nhận sự thật nền kinh tế Hàn Quốc có được vị thế như ngày hôm nay là nhờ rất nhiều ở các chaebol. Nhưng tôi không dám chắc cấu trúc hiện thời này sẽ tiếp tục thể hiện tính tích cực đối với nề
n kinh tế trong tương lai.
Ý tôi là, liệu có phải lành mạnh không khi chỉ có một vài công ty sở hữu gần như tất cả mọi thứ?”.
Huyền Trang (theo Bloomberg)
(vtc.vn)