Xác định xe không chính chủ để phạt như thế nào?
“Chưa xác định được rõ ràng chủ sở hữu phương tiện thì chưa thể xử phạt được. Lực lượng chức năng khi tiến hành xử phạt cũng phải xác định chủ phương tiện xe đó là ai, có phải xe chính chủ, hay không có chủ sở hữu hay không?”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71/2012.
Phải xác định rõ chủ phương tiện mới phạt. |
Theo đó, những trường hợp không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện hoặc làm thủ tục đăng ký mới sẽ bị xử phạt từ 6-10 triệu đồng/xe đối với ôtô, riêng xe máy xử phạt 1 triệu đồng.
Phải xác định rõ chủ phương tiện mới phạt.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG, nước ta chưa có số liệu chính xác bao nhiêu phần trăm người đang đi ô tô, xe máy là chủ sở hữu phương tiện nhưng theo điều tra xã hội học thì người đi xe không chính chủ chiếm 45%, chủ yếu là xe máy.
“Vì vậy, căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam thì lực lượng công an tiến hành việc xử phạt với những trường hợp này là rất khó”, ông Hiệp khẳng định.
Lý giải cho thực tế này, ông Hiệp cho rằng, hiện nay, vấn nạn mua xe máy không sang tên đổi chủ đã trở thành thói quen nên không ai nghĩ đến việc là chủ sở hữu phương tiện. Ngoài ra, số lượng phương tiện quá nhiều đồng thời người mua xe chưa muốn sang tên đổi chủ vì không muốn nộp thuế quá cao theo quy định hiện hành của Pháp lệnh Phí, Lệ phí trong việc sang tên đổi chủ phương tiện.
Chứng minh cho vấn đề trên, ông Hiệp đưa ra dẫn chứng, có nhiều trường hợp xe được chuyển nhượng, mua bán hàng chục lần nên giờ không biết chủ của xe là ai. Hoặc khi mua xe ôtô mới mức phí khi đăng ký sở hữu xe cũng chiếm tới 12% giá trị xe.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng bày tỏ quan điểm của việc người điều khiển phương tiện không chính chủ khi bị lực lượng kiểm tra, xử phạt sẽ phải chứng minh tính pháp lý của xe như xe đó là đi mượn hay là mua lại hoặc xe của bạn bè, người thân nhưng phải có giấy tờ đăng ký của chủ xe thì sẽ không bị xử phạt.
“Chưa xác định được rõ ràng chủ sở hữu phương tiện thì chưa thể xử phạt được. Lực lượng chức năng khi tiến hành xử phạt cũng phải xác định chủ phương tiện xe đó là ai, xe đó có phải xe không có chủ sở hữu?” – ông Hiệp đặt ra câu hỏi.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, các xe nếu được sang tên đổi chủ sẽ đảm bảo tốt công tác ATGT nhằm quản lý phương tiện và xử phạt thông qua hình ảnh của lực lượng chức năng góp phần giải quyết các vụ án hình sự, TNGT nhanh chóng.
Để giải quyết tình trạng xe không chính chủ, ông Hiệp cho biết: “Ủy ban ATGT đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi lại mức phí sang tên đổi chủ vì mức phí hiện nay là quá cao nên cần hạ xuống mức thấp nhất và mức phí chuyển nhượng chủ xe không phải là nguồn thu mà chỉ là dịch vụ”.
“Nếu nghiên cứu mức phí hợp lý đồng thời cơ quan Nhà nước đề nghị cho người dân một thời gian nhất định, khuyến khích người dân sang tên đổi chủ thì sẽ làm được tại Việt Nam” – ông Hiệp cho hay.
Theo VNN
(vtc.vn)