Bí mật đằng sau thành công của kinh tế Hàn Quốc
Từ chỗ đứng bên bờ vực phá sản sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Hàn Quốc đang nổi lên như một điển hình về thành công trong cải cách kinh tế. Có rất nhiều điều đáng để học hỏi từ đất nước xứ sở kim chi này.
15 năm trước, bà Kang Man Soon đã khóc khi tháo chiếc nhẫn cưới bằng vàng của mình để cùng hàng triệu người Hàn Quốc khác quyên góp cho chính phủ, giúp đất nước tăng lượng dự trữ vàng giữa lúc khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng.
Kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc sau khủng hoảng tài chính 1997
“Chúng tôi không thể để đất nước phá sản sau tất cả những hy sinh và bao công sức lao động để gây dựng lại từ thời hậu đế quốc Nhật cũng như nội chiến”, bà Kang bộc bạch sau khi chồng bà đã thực hiện lời hứa tặng bà chiếc nhẫn kim cương 1 carat trong ngày sinh nhật lần thứ 60. “Nền kinh tế giờ đã lớn và mạnh hơn nhiều. Ô tô và các sản phẩm khác của Hàn Quốc, kể cả nhạc pop cũng đã nổi tiếng khắp thế giới”.
Kể từ sau cú vấp năm 1997 – 1998, Hàn Quốc đã vượt qua các đợt khủng hoảng tốt hơn hầu hết các nền kinh tế phát triển. Thị trường chứng khoán nước này tăng trưởng gấp 5 lần, dẫn đầu bởi các tên tuổi lớn như Samsung, Hyundai và Kia Motors. Trong khi Samsung đã soán ngôi nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới 14 năm liền của Nokia, thì Hyundai cùng công ty con Kia đang dẫn đầu về mức sinh lời trong số 6 hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
Với tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ vượt qua các đối thủ giàu có tại châu Á, cả ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới là S&P, Fitch và Moody’s đều đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm nợ của Hàn Quốc với lí do quốc gia này có khả năng đối đầu với các sú sốc tốt hơn các nước khác.
“Chính những bài học đắt giá chúng tôi học được đã giúp Hàn Quốc chuẩn bị tốt cho những cuộc khủng hoảng tiếp theo”, Kwon Dae Young, một quan chức bộ Tài chính từng chịu trách nhiệm bơm vốn vay nước ngoài cho hệ thống ngân hàng năm 1997 cho biết. Hiện ngân hàng trung ương Hàn Quốc đang có lượng dự trữ ngọai hối lên tới 322 tỷ USD, lớn thứ 7 thế giới và gấp hơn 15 lần so với vỏn vẹn 20,4 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 1997.
Trong khi các nhà xuất khẩu Nhật điêu đứng vì đồng Yên lên giá, châu Âu ngập chìm trong nợ còn tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ gần 8%, Hàn Quốc chính là một điểm sáng trong số các nền kinh tế phát triển. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, cao hơn mức 2,2% của Nhật, 1,8% của Hong Kong hay 2,1% của Singapore.
Sự ổn định của Hàn Quốc đã khiến nơi đây được xem như vịnh tránh bão của các nhà đầu tư trái phiếu. Tính đến hết tháng 9, các nhà đầu tư nắm tới 88.300 tỷ won trái phiếu nội tệ, gấp đôi mức nắm giữ ở năm 2009.
Để có được thành công nêu trên, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, Hàn Quốc đã phát triển một hệ thống các tập đoàn lớn, quản trị theo kiểu gia đình mà nước này gọi là các Chaebol. Với quy mô lớn cùng sự hỗ trợ của chính phủ trong việc tiếp cận vốn đã giúp họ tạo nên các tập đoàn tầm cỡ thế giới, ví dụ như Samsung trong lĩnh vực điện thoại và màn hình phẳng, Hyundai Heavy Industries trong ngành đóng tàu.
Năm nay chiếc Elantra của Hyundai đã được bình chọn là mẫu xe tốt nhất Bắc Mỹ năm nay trong khi Samsung đang đạt mức doanh thu tương đương 13% GDP của Hàn Quốc và có mức lợi nhuận vợt cả dự báo của các chuyên gia.
Để vượt qua giai đoạn 1997-1998 với số nợ IMF lên tới 57 tỷ USD, một yếu tố khác không thể không nhắc tới đó là tinh thần ủng hộ hàng nội địa của người dân. “Cây xăng nơi tôi từng làm việc thậm chí đã từ chối bán xăng cho những khách hàng lái xe ngoại”, Moon Jeong Hyeok, một nhân viên văn phòng 31 tuổi tại Seoul nhớ lại. “Chúng tôi phản ứng lại những người lái xe BMW và Mercedes khi đất nước đang ngập trong nợ nần”.
Kwon, cựu nhân viên bộ tài chính cho biết, trong tháng 11/1997 ông đã “bơm” 3,6 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng chỉ trong một ngày. Vào thời điểm đó ông đã nói với ông Kim Dae Jung, người sau này trở thành tổng thống Hàn Quốc rằng dự trữ ngoại hối sẽ cạn kiệt trong vòng 2 tháng.
“Các công ty phá sản, người người mất việc còn các nhà hoạch định chính sách hàng tháng trời mất ngủ”, ông Kwon cho biết. “Kinh nghiệm từ giai đoạn 97 – 98 đã giúp chúng tôi xây dựng được cách quản lý dòng tiền như hiện nay”.
Trong cuốn sách “Khủng hoảng tài chính châu Á và Hệ thống tài chính quốc tế mới”, ông Kim Yong Duk, nguyên thống đốc Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Hàn Quốc cho biết, vào thời điểm 1997 chiến dịch huy động vàng chính phủ đã nhận được 227 tấn vàng, trị giá 2,2 tỷ USD từ 3,5 triệu người dân.
Các nỗ lực cải cách hệ thống tài chính của Hàn Quốc hậu khủng hoảng tiếp tục được thể hiện trong việc kiểm soát dòng “tiền nóng” đổ về khiến đông Won biến động mạnh. Ngay lập tức Bộ Tài chính nước này đã quy định trần trạng thái giao dịch kỳ hạn tiền tệ và áp thuế đối với các tài sản “Nợ” ngoại tệ không phải tiền gửi mà các ngân hàng nắm giữ.
Cơ quan này cũng áp thuế với mức tối đa lên tới 14% đối với các khoản thu nhập từ lãi đối với trái phiếu bộ tài chính do người nước ngoài nắm giữ và đánh thuế lên tới 20% trên thu nhập từ vốn khi bán các trái phiếu này.
Thanh Tùng
Lược dịch theo Bloomberg