Run rẩy xuống sông ngầm và động nuốt người ở Phú Thọ

17/10/12, 10:45 Bí ẩn

Họ soi đèn, thấy cá thì phóng lao, hoặc dùng vợt vớt. Những con cá lạ, giống cá thần ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nặng 3-4kg, thịt rất ngon.

Ở bản Bến Thân (Đồng Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ), có một hang động kỳ bí, mà ít người dám bước chân vào. Hang ấy được gọi là hang Gió, hay còn có tên là hang Khóc.

Những ngày ở xã Đồng Sơn, tôi đã tìm cách liên hệ với một số cán bộ, thậm chí bỏ tiền thuê người dẫn đường, nhưng chẳng ai dám dẫn chúng tôi đi tìm hang động kỳ bí ấy.

Sở dĩ, người dân ở xã không dám khám phá những hang động này là bởi vì người dân đồn đại trong đó có nhiều trăn khổng lồ. Loài trăn ở đấy có khả năng nuốt chửng cả bò, nên con người vào chả bõ dính răng cho nó.

Bản Bến Thân 

Người dân trong xã vẫn còn nhớ cảnh mấy thanh niên bản Bến Thân dùng đòn khênh con trăn lủng liểng từ Bến Thân ra xã bán. Con trăn này đang nuốt con bê thì bị nhóm thanh niên với dao cuốc chém chết. Nghe đồn con trăn đó dài tới… 10m!

Ông Hà Văn Yêu, 83 tuổi, con trai cụ bà Hà Thị Thẽm, hiện đã 113 tuổi kể rằng, người dân ở Đồng Sơn sợ trăn là chuyện nhỏ, chủ yếu là họ sợ những lời đồn.

Thời thanh niên, chính ông Yêu đã cùng thanh niên trong xã khám phá hang Khóc. Tuy nhiên, đi bộ cả ngày không thấy điểm kết thúc của hang. Càng đi sâu, động càng mở ra nhiều ngóc ngách.

Đặc biệt, trong quá trình khám phá hang động, nhóm của ông gặp vô số xương cốt, gồm cả xương người lẫn xương động vật.

Theo ông Yêu, hang Khóc có nhiều xương cốt 

Hồi kháng chiến chống Pháp, có một con đường hành quân và vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, qua khu vực có hang Khóc. Cạnh hang có một con dốc, gọi là dốc Thả Bom. Người Pháp từng thả bom trúng đoàn người, khiến người chết vô số. Nhiều bộ đội, dân quân trốn vào trong hang, bị giặc bịt hang, hun khói đến chết.

Theo ông Yêu, có thể đó là lý do giải thích vì sao hang Khóc có nhiều xương cốt. Đó cũng là lý do người dân không dám chui vào hang động này.

Không tìm được người dẫn đường, chúng tôi đành tự tìm vào bản Bến Thân. Đó là bản người Dao, sống tách biệt trong rừng. Bến Thân nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn, xung quanh núi non bao bọc. Ngọn núi cao nhất của lõi rừng, tới 1.384m sừng sững trong mây mờ, cách Bến Thân không xa.

Công an viên Đặng Văn Hồng chỉ hướng có hang Khóc 

Vào bản Bến Thân, tôi tìm gặp người dân, nhờ dẫn đường đi tìm hang động bí ẩn, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Ai cũng sợ trăn khổng lồ và sợ… ma.

Chuyện người dân ở bản mới tóm được con trăn là có thật. Một số thanh niên vừa được thầy mo cúng vía (người Dao có tục cúng vía khi ai đó sợ hãi đến… mất vía), sau khi giết con trăn.

Ngay cả đồng chí công an viên Đặng Văn Hồng cũng không dám dắt chúng tôi vào dốc Thả Bom đi tìm hang Khóc. Anh bảo: “Trăn thì không sợ, nhưng anh sợ vào đó sẽ không có đường về. Nếu đang thám hiểm hang Khóc, mà gặp trời mưa, thì 100% là mất mạng, làm mồi cho cá”.

Cửa hang Khóc 

Theo anh Hồng, chuyện trong hang có vô số xương cốt là thật. Tuy nhiên, để tìm được xương cốt phải đi rất sâu. Mùa này thời tiết bất thường, mưa gió lúc nào không biết được, nên không ai dám vào hang.

Anh Hồng cho biết, hang Khóc thực tế là một con sông ngầm khổng lồ trong lòng núi. Toàn bộ vùng núi đá vôi trong Vườn quốc gia Xuân Sơn là một hệ thống hang động khổng lồ, không biết bao nhiêu mà kể, thông thiên với nhau.

Bản thân anh Hồng cùng một số thanh niên đã thám hiểm hang Khóc, nhưng càng đi càng mất hút, không thấy đích ở đâu.

Mùa hè, mỗi trận mưa trút xuống, toàn bộ nước trên quả núi cao 1.384m và các dãy núi thấp hơn dồn lại, ngấm vào các hang ngầm, rồi đổ cả vào hang Khóc. Vậy nên, chỉ sau trận mưa chục phút, hang Khóc khổng lồ biến thành dòng sông ngầm, nước chảy như tên bắn.

Cửa hang Khóc nhìn từ bên trong 

Nước trong con sông ngầm này đổ ra bản Bến Thân và một số ngách khác. Miệng hang đổ ra bản Bến Thân tạo thành con suối Thân tuyệt đẹp. Suối Thân cho loài rêu đá rất ngon, mà đồng bào vẫn vớt về ăn.

Nước lớn, cá ẩn náu trong các ngóc ngách hang động cũng theo dòng nước bơi ra suối. Nước rút đi, chúng lại bơi sâu vào trong hang. Đó là lúc người Bến Thân mò vào trong hang săn cá. Họ soi đèn, thấy cá thì phóng lao, hoặc dùng vợt vớt. Những con cá lạ, giống cá thần ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nặng 3-4kg, thịt rất ngon.

Xưa kia, loài cá này nhiều đến nỗi dân bản ăn không xuể. Nhưng giờ, săn bắt nhiều quá nên hiếm hơn. Dù vậy, anh Hồng vẫn thường xuyên tóm được loài cá đen trùi trũi này để ăn. Nhiều người sợ loài cá này, gọi là cá ma, nên không dám ăn.

Đang thất vọng vì không tìm được ai dẫn đường, thì cô giáo Đặng Thị Thơm xung phong dẫn chúng tôi vào hang. Cô giáo Thơm bảo, cô chẳng sợ gì trăn, với rắn. Nếu cô sợ các loài động vật, coi động vật như kẻ thù, thì làm sao dạy học trò của cô yêu thiên nhiên được.

Chúng tôi cứ đi bộ leo dốc ngược con suối Thân. Khi mỏi gối, thì con suối mất hút vào trong lòng núi. Nước cuồn cuộn chảy ra, chẳng nhìn thấy hang đâu. Tôi trộm nghĩ, chẳng lẽ phải dùng bình lặn để chui vào hang?

Nhưng cô giáo Thơm dẫn chúng tôi đi tiếp, leo lên lưng chừng núi. Đến dốc Thả Bom, nơi có nhiều dân quân, bộ đội hy sinh vì trúng bom Mỹ, nơi có nhiều trăn khổng lồ cư ngụ, khiến người dân trong vùng không dám vào, thì cô giáo Thơm dừng lại. Cô vạch cỏ rẽ trái, trèo lên một cửa động.

Vắt nhảy tanh tách. Chúng tôi cứ mải miết đi. Đi được một đoạn thì dừng lại cạo vắt ra khỏi chân. Cứ vừa đi vừa nhặt thì không kịp, vì cứ gạt con nọ, con kia lại nhảy vào hút máu.

Ở đây, có cả 2 loại vắt. Một loại vắt ngo ngoe dưới đất, bám vào chân để hút máu, một loại bám trên cành cây, chờ người cọ vào thì nhảy sang.

Cô giáo Thơm dẫn đương vào hang Khóc 

Một miệng hang không lớn lắm hiện ra. Đứng ở miệng hang, cô giáo Thơm nhìn trời nhìn đất và bảo: “Nhìn trời thế này không thể biết liệu có mưa hay không. Nếu vào hang, gặp mưa, thì chỉ có chết. Nhà báo cần suy nghĩ kỹ trước khi vào”.

Chúng tôi vừa chui vào hang vừa run rẩy thực sự. Một con dốc đứng hiện ra. Phải bấu tay vào vách đá tụt xuống.

Đi một lát, thì đèn pin soi mãi chẳng thấy gì. Không gian rộng lớn hiện ra trước mắt. Tôi có cảm giác, có thể lập một sân bóng đá ở trong cái hang này.

Nước trong sông ngầm chảy mạnh đến nỗi cuốn trôi tảng đá khổng lồ này 

Những nhũ đá đủ các hình thù rất đẹp, lên màu vàng óng ánh. Loài dơi ngựa, dơi bắt muỗi hàng vạn con bám lủng liểng trên trần hang.

Giữa lòng hang là một con suối, nước chảy ào ào. Cô giáo Thơm bảo, vào mùa mưa trong lòng hang này là một con sông lớn, còn mùa khô sông cạn nước thì thành suối. Mùa mưa, nước chảy gầm gào như thác. Chui vào trong hang, tiếng nước rít inh tai, gió thổi tà áo phần phật.

Chúng tôi cứ ngược con suối để khám phá hang Khóc. Trên trần hang là đủ các loại hình thù nhũ đá. Nhũ đá hình rồng, chim phượng, đám mây ngũ sắc… Dưới đáy hang là bãi cát vàng óng ánh, tưởng như những hạt vàng lẫn trong cát. Quả là một cảnh tượng chỉ có trong cổ tích.

Có hàng vạn hình thù ruộng bậc thang trên những tảng đá 

Ngược lên cao, tôi gặp những tảng đá khổng lồ nằm chềnh ềnh giữa hang, như thể gốc cây bị bật. Chẳng lẽ có ai đó dắt voi vào đây kéo bật khối đá nặng hàng chục tấn này lật nghiêng? Con người làm sao đủ sức kéo đổ tảng đá vốn bám chặt vào đáy hang từ hàng triệu năm nay?

Cô giáo Thơm bảo chẳng ai rỗi hơi vào đây vần đổ khối đá ấy. Đó là do lũ của con sông ngầm này đẩy trôi tảng đá đi. Sức nước trong con sông ngầm này quả là khủng khiếp. Điều này lý giải vì sao người dân trong vùng không dám vào hang. Nếu gặp mưa, thì mất mạng là cái chắc.

Cuốc bộ chừng một đoạn nữa, thì những “thửa ruộng bậc thang” đẹp như trong cổ tích hiện ra. Chẳng có nghệ nhân nào rỗi rãi chui vào hang để tạo ra hàng triệu “thửa ruộng bậc thang”.

“Hồ nước” giống như do con người tạo ra

Tôi quanh quẩn mãi trong hang, nhìn hướng nước chảy, những giọt nước nhỏ từ trần hang xuống, song vẫn không thể hiểu cơ chế khoa học nào tạo thành hình thù những thửa ruộng bậc thang trên mặt những phiến đá khổng lồ.

Càng đi sâu, càng nhiều ngóc ngách hang động mở ra trước mắt. Dòng sông ngầm cũng tỏa ra nhiều nhánh khác nhau, không biết đâu là thượng nguồn. Nhìn đồng hồ, cô giáo Thơm giục chúng tôi rời khỏi hang.

Đêm xuống, đại ngàn Xuân Sơn thường có mưa.

Diễm Bình (vtc.vn)

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

Ad will display in 09 seconds

SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

    Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

  • SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

    SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

    Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

    Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

x