Chiến tranh đắt nên vũ khí phải rẻ?
Từ hai nghìn năm trước đây, Ciceron đã thấy rằng tiền chính là vật tài vật lực nuôi chiến tranh. Ngày nay điều đó vẫn đúng.
Hệ thống Vũ khí Tiêu diệt Chính xác Tối tân (APKWS II) |
Nhưng từ góc độ của người Mỹ, mọi việc lại có vẻ rất khôi hài. Đặc biệt là các tên lửa dẫn đường đang đắt một cách kỳ cục. Một tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp Tomahawk trị giá lên tới 1,5 triệu USD, và thậm chí cả hỏa tiễn không đối đất Hellfire nặng có 50kg cũng có giá lên tới 115.000 USD/phát.
Nếu tấn công vào một chiếc xe tăng của quân địch thì cái giá này cũng tương đối cân xứng. Còn để tiêu diệt một xe tải chở một đội du kích trang bị vũ khí hạng nhẹ thì có vẻ như cái giá phải trả khá là đắt. Và nếu sử dụng hỏa tiễn Javelin (trị giá 147.000 USD) loại kê trên vai để bắn vào các binh sĩ trong hố cá nhân như ở Afghanistan thì quả là quá ‘hoang tàn’. Rõ ràng, có điều gì đó cần phải thay đổi.
Hồi đầu tháng Ba này Mỹ đã có dấu hiệu thay đổi trong việc cân nhắc các chi phí khi triển khai Hệ thống Vũ khí Tiêu diệt Chính xác Tối tân (APKWS II) do Hệ thống BAE và hãng Northrop Grumman sản xuất. APKWS II là một phiên bản thông minh của loại hỏa tiễn 70mm đời cũ, Mỹ từng sử dụng loại này từ năm 1948. Hệ thống này rẻ, và các tên lửa dẫn đường chỉ tốn có 18.000 USD/phát.
APKWS II được nạp đạn và bắn theo cùng một cách (như hình trên), phiên bản trước đó không có hệ thống dẫn đường nên chỉ có thể bắn thẳng. Sự khác biệt giữa hai phiên bản này ở chỗ phiên bản sau có thể tấn công với độ chính xác là một mét nhờ có thiết bị dò tìm bằng laser. Với mỗi mục tiêu bị tiêu diệt thì APKWS II có chi phí chỉ bằng một nửa. Điều này cũng có nghĩa là có nhiều mục tiêu bị ‘hạ’ hơn chỉ trong một đợt bắn.
Chi phí dẫn đường
BAE và Northrop vẫn là hai hãng dẫn đầu trên thị trường trong phân khúc thiết bị này. ATK và Lockheed Martin và Raytheon theo sát nút. Trong khi đó, hải quân Mỹ đã chế tạo loại tên lửa dẫn đường giá rẻ của riêng họ. Một hệ thống tìm kiếm mục tiêu có giá thành rẻ (LCITS) đã được hải quân Mỹ thử nghiệm thành công vào năm ngoái.
Hệ thống tìm kiếm mục tiêu LCITS có giá thành rẻ |
LCITS là một phiên bản nâng cấp từ vũ khí 70mm, nhưng thay vì có hệ thống laser dẫn dường, thiết bị này lại tìm mục tiêu từ mức độ phát nhiệt. Vì không cần dò tìm mục tiêu bằng cách chiếu laser, nên LCITS có thể bắn nhiều phát tên lửa cùng một lúc, đây là tính năng hữu hiệu và phát huy tác dụng giả dụ như khi một con tàu đang bị nhiều thuyền nhỏ bao vây.
Các vũ khí chính xác loại nhỏ cũng rất hữu dụng trong các tình huống mà trọng lượng là một nhân tố then chốt. Shadow là một máy bay không người lái mà quân đội Mỹ, Úc và Thụy Điển đang sử dụng. Shadow quá nhẹ nên không thể mang theo hỏa tiễn Hellfires nên tạm thời loại máy bay này chưa thực hiện các nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên, tới đây Shadow sẽ trở lại với một loại tên lửa dẫn đường cỡ nhỏ, nhẹ nhưng không kém phần lợi hại.
Bom dẫn đường Viper Strike |
Kế hoạch dành cho Shadow được thực hiện sau khi loại máy bay không người lái khác là Hunter được trang bị thành công bom Viper Strike – một loại bom dẫn đường có cân nặng chỉ 20kg do hãng Northrop Grumman sản xuất. Viper Strike là loại vũ khí chống tăng và giờ do hãng MBDA sở hữu. Có Viper Strike cũng đồng nghĩa với việc các phi cơ có khả năng tấn công nhiều mục tiêu hơn với độ chính xác rất lớn từ khoảng cách xa tới vài km.
Tuy nhiên, nỗ lực quyết tâm nhất trong việc phát triển một loại vũ khí dẫn đường vừa rẻ vừa nhỏ lại là F2M2 (hay còn gọi là tên lửa Spike) tại California. Steve Felix là người quản lý dự án F2M2 muốn có một loại vũ khí nhỏ, chính xác nhưng giá chỉ ở mức 5000 USD. Kết quả là ông đã cho ra một loại vũ khí nặng chưa đầy 3kg, có kích thước chỉ bằng một chiếc bánh mỳ que và đây là loại nhỏ nhất thế giới.
Spike là loại tên lửa đặt trên vai để phóng và đã được thử nghiệm thành công. Tên lửa này cũng có thể được phóng từ máy bay không người lái. Tên lửa này có hệ thống dẫn đường quang học thông minh, có tầm bắn là 1500m. Dù đầu đạn của nó quá nhỏ để phá hủy một chiếc xe tăng thì nó vẫn có khả năng tiêu diệt các loại xe thông thường hoặc các mục tiêu nhẹ hơn, với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Các loại vũ khí chính xác đã và đang thay đổi triệt để chiến tranh ngày nay, dù cho đôi khi nó làm tăng chi phí của chiến tranh. Các loại tên lửa dẫn đường giá rẻ thường được lắp trên các máy bay không người lái chứ không phải trên các phi cơ đắt tiền có phi công. Và các loại vũ khí này sẽ thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh hơn nữa. Và khi các loại tên lửa này chỉ có giá một nghìn USD thay vì một triệu USD thì sẽ chẳng còn mục tiêu nào bị cho là quá rẻ để bỏ qua.
- Lê Thu (theo Economist)
(vietnamnet.vn)