Hổ mây khổng lồ ở U Minh hay chuyện của bác Ba Phi?
Ông Mười Nhớt rụng rời tay chân, mặt cắt không còn giọt máu khi phát hiện khúc cây có vảy lấp lánh, lại lên màu hơi vàng mốc. Là thợ săn rắn, nên ông chắc chắn rằng đã gặp hổ mây khổng lồ.
Loạt bài huyền thoại rắn hổ mây |
Kỳ 6: Những chuyện rắn hổ mây của bác Ba Phi
Mặc dù tên vườn quốc gia là U Minh Hạ, nhưng trung tâm của vườn và trụ sở ban quản lý lại ở huyện Trần Văn Thời.
Xưa kia, rừng U Minh Hạ rộng mênh mông, đến sát TP. Cà Mau. Nhưng quá trình di dân, khai phá, rồi hàng loạt vụ cháy rừng diễn ra trong suốt mấy chục năm, mà rừng tràm nguyên sinh co lại, chỉ còn tập trung nhiều nhất ở huyện Trần Văn Thời.
Hiện tại, theo con số mới nhất, rừng tràm vùng Cà Mau chỉ còn 55 ngàn héc-ta. Trong đó, quy hoạch Vườn quốc gia U Minh Hạ rộng hơn 8.200 héc ta, nằm ở huyện Trần Văn Thời.
Nhà báo Nam Giao trên chòi canh giữa đại ngàn U Minh Hạ |
Trong số diện tích đó, thì vùng bảo vệ nghiêm ngặt chỉ còn 1.600 héc-ta, có tên là rừng Vồ Dơi, thuộc xã Trần Hợi. Rừng Vồ Dơi là rừng tràm nguyên sinh ngập nước, vẫn còn tồn tại đầy đủ các loài động thực vật đặt trưng của rừng tràm, gồm heo rừng, nai, tê tê, khỉ, rắn chúa, rắn hổ mây, trăn đất, trăn hoa…
Chính vì thế, những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ ở địa bàn xã Trần Hợi vẫn là vấn đề mới mẻ, thời sự nhất.
Đường về hòn Đá Bạc, một bên là con sông đào thẳng tít tắp, một bên là đại ngàn U Minh với những thân tràm thẳng tắp cao ngất nghểu. Thi thoảng mới thấy một nếp nhà tạm, lợp gianh như chuồng gà, chuồng vịt ẩn hiện trong rừng.
Kênh đào chữa cháy ở U Minh Hạ |
Mấy ngày lang thang ở rừng U Minh Hạ, đặc biệt ở khu vực xã Trần Hợi, tôi thu lượm được vô số chuyện về rắn hổ mây khổng lồ. Những câu chuyện về rắn hổ mây mang hơi hướng chuyện bác Ba Phi. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, đến những cụ già tóc bạc cũng đều kể vanh vách.
Ngoài rắn hổ mây, thì Vườn quốc gia U Minh Hạ là vương quốc của cá lóc. Cá lóc nhiều vô kể. Đặc sản của vùng này là cá lóc nướng trui. Cá lóc nướng với rượu đế tưng bừng, rồi những câu chuyện miên man về rắn chẳng bao giờ ngớt.
Ông Mười Nhớt, hiện 80 tuổi, thợ săn rắn kỳ cựu ở vùng U Minh là người gặp rắn khổng lồ rất nhiều. Nhà ông ở khu vực Cây 5. Cả thời trai trẻ ngang dọc trong rừng, rồi lại tiếp xúc với những bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó có nhiều bệnh nhân bị rắn hổ mây tấn công, nên ông nắm được vô số chuyện về rắn hổ mây.
Anh em kiểm lâm, kể cả lãnh đạo vườn quốc gia, khi tìm hiểu về rắn hổ mây, cũng phải tìm ông để hỏi. Ông chính là kho chuyện về loài rắn to khủng khiếp ở vùng tràm ngập nước này.
Theo ông Mười Nhớt, người kể chuyện về rắn hổ mây hay nhất chính là bác Ba Phi, một tay nói dóc nổi tiếng xứ Nam kỳ lục tỉnh.
Chú gấu và chú lợn rừng nhốt chung ở giữa Vườn quốc gia U Minh Hạ |
Bác Ba Phi quê ở xã Khánh Hải, tận ven biển, nơi rừng tràm trùm kín. Những câu chuyện về rắn hổ mây qua miệng bác Ba Phi đã trở nên nổi tiếng và hầu hết dân cư vùng rừng rú U Minh đều thuộc nằm lòng.
Chuyện rằng, ngày xưa, trong rừng U Minh Hạ, ở khu Vồ Dơi, là nơi ẩn náu của những con rắn hổ mây khổng lồ. Không ai biết những con rắn này sống ở đây từ thời nào, nhưng từ mấy trăm năm trước, khi cha ông đến vùng đất này, đã thấy chúng quần cư ở đây.
Loài rắn này tuy lớn nhưng lại hiền lành. Chúng và con người sống hòa bình với nhau. Đất của người người sống, của rắn rắn ở, không xâm phạm đến nhau.
Bọn rắn săn mồi cũng nhàn nhã. Chúng chỉ việc dựng thân mình qua ngọn cây, há miệng toang hoác. Đàn chim tưởng cây lớn, chui vào miệng đậu, làm tổ, thế là bị nuốt chửng!
Những khi no mồi, rắn nằm ngủ trong rừng, mấy bác thợ săn tò mò lén tới ôm thử, thấy chu vi vòng bụng của chúng hết ba vòng tay người lớn!
Chẳng rõ có ai nhìn thấy rắn khổng lồ hổ mây tát kênh bắt cá hay không, nhưng chuyện rắn hổ mây là cao thủ bắt cá thì ai cũng kể vanh vách.
Khu vực nhà lá giữa vườn quốc gia, là nơi trú chân cho các cán bộ làm việc trong rừng |
Chuyện rằng, vào mùa khô, nước ở U Minh rút dần, cá tụ vào những vũng nước trũng ở các con kênh. Bọn rắn khổng lồ bò đi tìm những đoạn kênh lúc nhúc cá. Lặn xuống vũng nước mò từng con mà ăn thì không biết bao giờ mới đủ no, nên nó quấn đầu và đuôi vào thân cây, phần thân thả võng xuống vũng nước. Bụng nó thóp lại như cái gầu, rồi thân rắn cứ thế đung đưa, tát một lúc thì cạn cả mương, tha hồ ăn cá.
Ông Mười Nhớt năm nay tròn 80 tuổi, là bậc trưởng lão ở đại ngàn Vồ Dơi, hiểu biết sâu sắc về loài rắn khổng lồ. Ngay cả cán bộ kiểm lâm, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh về U Minh tìm hiểu về hệ động thực vật, cũng đều tìm đến ông Mười Nhớt để thu thập thông tin.
Vốn có kinh nghiệm ngót 50 năm là thợ săn rắn, nên không giống lo