Dân chơi Trung Quốc đau đầu vì đồ cổ giả
VTC News lược đăng bài viết của tác giả Yuan Chengzhen trên tờ Global Times cho thấy góc tối trong ngành công nghiệp đồ cổ ở Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng tràn lan.
Có một câu nói mà dân chơi đồ cổ Trung Quốc không ai không biết: “Chúng
ta sưu tầm vàng trong thời buổi khó khăn và đồ cổ trong giai đoạn làm ăn
phát đạt”. Nhưng ngày nay, một bộ sưu tập đồ cổ không chỉ đơn thuần
mang ý nghĩa tôn vinh các giá trị văn hóa mà còn thể hiện thành tựu về
kinh tế. Để sở hữu một bộ sưu tập đồ cổ đáng giá, dĩ nhiên, một người
cần phải có tiềm lực tài chính hùng mạnh bên cạnh niềm đam mê.
Giá trị một món đồ cổ không phải là số tiền mà nó có thể thu về từ các buổi đấu giá mà là cách con người đánh giá được giá trị lịch sử và nghệ thuật của nó.
Ở Trung Quốc, có giai đoạn mà giá trị của đồ cổ xuống tới mức thấp nhất. Trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976), sở hữu đồ cổ thậm chí có thể ẩn chứa nhiều hiểm họa.
Rất nhiều đồ cổ đã bị phá hủy thời gian đó. Nhưng ở thập niên 80, khi giá trị thật của đồ cổ được tái khám phá, ngành kinh doanh này bắt đầu nở rộ và ngày càng phát đạt.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thú chơi đồ cổ Trung Quốc chẳng được trân trọng như xưa. Danh tiếng của nó bị xói mòn vì những scandal xảy ra liên tiếp.
Hồi đầu năm nay, Wu Shu, một chuyên gia văn hóa nổi tiếng, cho biết, 95% những người yêu thích sưu tập đồ cổ đã mua phải 95% hàng giả. Nguyên do là nhiều người buôn bán đồ cổ tham lợi nhuận một cách mù quáng và số lượng những giao dịch đen trong ngành công nghiệp này ngày càng tăng.
Thị trường đồ cổ cấp 1 Trung Quốc gồm các gian hàng, cửa hiệu đồ cổ; thị trường cấp 2 gồm các công ty đấu giá. |
Theo kết quả một cuộc điều tra của Wu Shu tiến hành hồi năm ngoái, Trung Quốc có hơn 80 triệu nhà sưu tập (con số này là 100 triệu theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sưu tập Trung Quốc). Có tới gần 100.000 người từng khai quật các ngôi mộ cổ để tìm kiếm cổ vật. Chỉ trong vòng hơn 30 năm qua, khoảng 2 triệu ngôi mộ đã bị cướp phá trắng trợn.
Tình trạng đáng báo động tới mức một quan chức cao cấp trong ngành công nghiệp gốm sứ Trung Quốc phải thốt lên: “Nếu tất cả người dân Trung Quốc đồng loạt mua và bán cổ vật, thị trường đồ cổ chắc chắn sẽ trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát nổi”.
Thay vì niềm đam mê thuần túy, ngày nay, nhiều người coi sưu tầm cổ vật như một kênh đầu tư có lời. Họ thuộc hai nhóm: Những dân buôn kiểu đầu cơ cực kỳ giàu có và các quan chức tham nhũng. Họ thường mua đồ cổ thật hoặc giả với giá rất trẻ từ những tay buôn non nghề, sau đó, bán lại với giá cắt cổ. Kiểu kinh doanh này dẫn tới tình trạng nhiều di sản văn hóa cổ đại bị đánh cắp. Do hậu quả của các giao dịch đen, người ta thậm chí không bao giờ còn tìm lại được thông tin về nguồn gốc cổ vật nữa. Khi đó, cổ vật hoàn toàn mất giá trị lịch sử và văn hóa, chỉ còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật mà thôi.
Hồi tháng trước, chủ đề nóng nhất giữa những người có cùng sở thích sưu tầm đồ cổ là một chương trình truyền hình của Đài Bắc Kinh. Trong chương trình, một nhóm chuyên gia xem xét những món đồ được mang tới. Chỉ cần chúng trông có vẻ “giả”, MC ngay lập tức phá hủy luôn món đồ đó. Tuy nhiên, vài ngày sau, giới truyền thông đưa tin, một số món đồ bị gọi là đồ cổ giả đó thực chất lại là hàng xịn 100%.
Thật khó để nói ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tiền bạc đặc biệt này. Chỉ có một điều chắc chắn: Vẫn chưa có đủ quy định hợp pháp để trợ giúp cho ngành kinh doanh đồ cổ phát triển đúng hướng, khi mà sự tràn lan đồ cổ giả đang dần khiến các nhà sưu tập mất niềm tin.
Huyền Trang (tổng hợp)
(vtc.vn)