Tranh cãi việc hàng nghìn ôtô nổ lốp trên cao tốc Trung Lương
Tháng 2/2010, đường cao tốc TP HCM – Trung Lương được đưa vào sử dụng. Đến nay bình quân mỗi ngày có khoảng 61.000 lượt xe lưu hành. Cũng trong thời gian đó, đã xảy ra hơn 2.000 vụ ôtô nổ lốp. Nghiêm trọng nhất là rạng sáng 13/6, một xe tải bể bánh khi đang lưu thông trên đường cao tốc và lao ra làn đường dành cho ôtô vận tốc 100 km/h đã khiến xe khách 16 chỗ đâm vào làm 8 người tử vong.
“Vỏ xe của tôi vừa mới thay cách đây hơn một tháng, của hãng tốt, thế mà đi trên đường cao tốc TP HCM – Trung Lương vẫn bị nổ. Lớp tạo nhám trên đường cao tốc khiến cho nhiệt độ vỏ xe nóng lên và nếu không nổ thì cũng bị mòn nhanh”, tài xế Nguyễn Cao Cường (ngụ quận Thủ Đức) nói.
Chiếc ôtô 16 chỗ bị biến dạng sau khi đâm vào chiếc xe tải nổ lốp rạng sáng 13/6. Ảnh: CTV |
Tuy nhiên, một cán bộ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) tại TP HCM khẳng định, lớp tạo nhám trên đường cao tốc hoàn toàn không gây ra sự cố. Có rất nhiều lý do nổ lốp như lốp xe mòn quá mức quy định, xe chở quá trọng tải, chạy tốc độ cao khi lốp quá căng…
Theo quy định đăng kiểm, một lốp xe được phép lưu thông trên đường khi sử dụng không quá 80.000 km, không có dấu hiệu bị xước, độ mòn của lốp không vượt quá quy định cho phép 1,6 mm đến 2 mm, đúng kích cỡ. “Tuy quy định như thế nhưng nhiều tài xế xe tải vẫn cố tình thay lốp không đúng kích cỡ để có thể chở quá tải. Nhiều chủ xe còn đắp gai mới vào vỏ cũ đã mòn”, cán bộ Cục đăng kiểm nói.
Theo vị này, hiện nay các tài xế chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng lốp xe đúng cách, an toàn. Mỗi lốp xe sau khi sản xuất đều có các thông số kỹ thuật như tốc độ cho phép, tải trọng, thời gian sử dụng… tuy nhiên các chủ phương tiện còn thờ ơ.
Với thống kê 2.000 vụ nổ lốp ôtô trên tuyến cao tốc sau hơn một năm, vị cán bộ này cho rằng con số này vẫn còn rất ít. “Tính số xe nổ lốp như trên với 61.000 lượt ôtô lưu hành mỗi ngày thì tỷ lệ là rất nhỏ. Nếu chủ trương kiểm tra mặt cắt ở quốc lộ 1A thử xem một ngày hoặc một thời gian nhất định có bao nhiêu xe ôtô bị nổ lốp, chắc không chêch với số lượng đường cao tốc TP HCM – Trung Lương”, vị cán bộ này khẳng định.
Chiếc xe tải nổ lốp đang được cơ quan công an giám định. Nếu kết quả cho thấy không đảm bảo kỹ thuật chạy trên đường cao tốc thì có dấu hiệu phạm tội. Ảnh: N.S. |
Ông Thái Văn Chung – Tổng thư ký Hiệp hội vận tải TP HCM cũng cho biết, có một số đơn vị dùng lốp cũ để tái sử dụng nên không bảo đảm được chất lượng kỹ thuật khi lưu thông trên đường cao tốc – nơi có tốc độ và ma sát cao so với những con đường bình thường.
“Hiện nay lốp xe ôtô có nhiều loại sản xuất trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Việc kiểm định chất lượng lốp ở mình chưa chặt chẽ, chưa quản lý đến nơi đến chốn nguồn nhập khẩu, nhất là nguồn hàng từ Trung Quốc. Điều này lý giải vì sao nhiều lốp xe kém chất lượng vẫn lưu thông trên đường”, ông Chung nói.
Về việc tài xế phản biện, lớp tạo nhám gây ra nổ lốp, ông Chung khẳng định, trên đường cao tốc bắt buộc phải có lớp nhám để tạo ma sát. Nếu bỏ lớp tạo nhám này còn nguy hiểm hơn. Muốn khắc phục điều này thì tài xế không nên sử dụng lốp mòn, đắp vá và chạy với tốc độ cao.
“Lưu thông ở cao tốc khác với đường bình thường. Nếu các phương tiện chủ quan, chạy ngẫu hứng lúc trên lúc dưới tốc độ cho phép, lấy kinh nghiệm đi trên đường bình thường để lưu thông trên cao tốc… là rất nguy hiểm”, ông Chung nhấn mạnh.
Anh Tân Vương, một người có kinh nghiệm về lốp xe cho biết, đối với lốp xe tải, vấn đề an toàn kỹ thuật phức tạp hơn. Mỗi loại xe tải chở hàng hóa khác nhau và trên những điều kiện đường sá khác nhau, với tải trọng lớn nên nhất thiết lốp xe phải được cân chỉnh áp suất, sử dụng loại phù hợp với mặt đường và loại hàng hóa chuyên chở.
“Đối với tai nạn đáng tiếc xảy ra trên đường cao tốc mới đây, nguyên nhân phải chờ kết luận của cơ quan công an, nhưng các hãng vận tải nên thực hiện việc kiểm tra, cân chỉnh toàn bộ, thay mới hệ thống lốp theo đúng tiêu chuẩn sẽ phòng ngừa được những tại nạn đáng tiếc”, anh Vương nói.
Tá Lâm – Đức Quang