Sự thật về việc “vỡ tim” khi chia tay
Chia tay đôi khi là cách giải quyết tốt nhất khi hai người đã hết yêu nhau, thế nhưng theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, chia tay đôi khi lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều mặt của cơ thể.
1. Làm “vỡ tim”
Đây hoàn toàn không phải là một cách dùng từ bóng bảy trong văn học mà chính là trái tim thật sự của con người. Khi xúc động, chất adrenaline (chất gây tăng huyết áp, làm tim đập mạnh…) sẽ tăng.
Đặc biệt là khi nhận một tin shock như chia tay từ người mình yêu, lượng adrenaline sẽ tăng lên cao một cách đột ngột khiến các cơ tim của bạn sẽ làm việc với tốc độ cao, dẫn đến co thắt và một số biến chứng khá nghiêm trọng.
Nếu xui xẻo, bạn sẽ phải nhập viện với tất cả các triệu chứng kinh điển của nhồi máu cơ tim: đau dữ dội phần trên bên trái, tăng đông máu, huyết áp cao và nhịp tim đập nhanh. Các nhà khoa học đã tổng kết rằng, mất đi một người thân yêu hay một mối quan hệ bị tan vỡ đột ngột là một nguyên nhân lớn của các ca trụy tim.
2. Tăng khả năng bị ung thư
Tiến sĩ Daniel Mroczek và các cộng sự trường ĐH Purdue, bang Indiana đã nghiên cứu trên 1.600 người đàn ông trong suốt 12 năm để có thể đưa ra được kết luận rất quan trọng này.
Trong cơ thể con người có vô số các tác nhân gây bệnh, tuy nhiên ở trạng thái bình thường, chúng khó có thể phát tán gây hại cho cơ thể. Nhưng khi bạn tích tụ nhiều strees, lo âu, cảm xúc bất ổn, đặc biệt là sau một vụ chia tay đẫm nước mắt, cơ thể sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho tác nhân xấu hoạt động như các đoạn gene đột biến, vi khuẩn độc hại… Từ đó sẽ gây nhiều căn bệnh cực kì nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.
3. Trở nên nghèo, cô đơn hơn
Theo 1 nghiên cứu khác, nam giới trong độ tuổi từ 20 – 64 đã từng ly dị hoặc ly thân thì cường độ bị stress hay các cảm giác chán nản tăng gấp 6 lần so với những người đang trong quan hệ hôn nhân bình thường.
Trong khi đó, phụ nữ mắc một số chứng trầm cảm sau khi ly hôn cao hơn gấp 3,5 lần hơn so với những phụ nữ đang trong một cuộc hôn nhân thông thường.
Sự chán nản này dẫn tới những kết quả đáng buồn, một năm sau khi chia tay, chỉ có 29% nam giới được khảo sát cho biết họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống của họ và tới 2% nữ giới thừa nhận rằng, họ nghèo đi nhanh chóng.
4. Nhan sắc phai tàn
Theo các chuyên gia, chứng mất ngủ thường thường đi liền với sự căng thẳng và xoay quanh một sự kiện cụ thể. Đặc biệt, sau khi chia tay bạn đời, bạn phải làm quen với môi trường sống mới với những nếp sinh hoạt thay đổi. Chứng mất ngủ kéo dài sẽ làm cho bạn trở nên xấu hơn.
Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10 – 11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
Những người thức khuya thường hay ăn đêm, thói quen ăn đêm, không những gây khó ngủ, mà sáng hôm sau ăn cũng không ngon miệng. Cứ như vậy lâu dần sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn tới tình trạng béo phì.
5. Ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tâm lý
Khi chia tay, cuộc sống của gia đình bị xáo trộn, nhiều sự thay đổi xảy ra như nhà ở, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình nội, ngoại bị xáo trộn. Con cái có thể có những biểu hiện gắn liền với sự lo âu, sợ hãi, trầm cảm vì xa cách cha mẹ: đau đầu, đau bụng, khó ngủ, chán ăn, khó tập trung và giảm trí nhớ trong học tập.
Thậm chí có trẻ thoái lùi: tiểu dầm dù trước đó đã không còn tiểu dầm hoặc đòi bú bình trong khi đã có thể tự ăn như một trẻ lớn. Lý do là bởi trẻ muốn trở lại thời gian hạnh phúc của tuổi ấu thơ được sống chung với cha mẹ. Trẻ rất dễ nóng nảy, khó tính, nhõng nhẽo, khóc nhè… Một số trẻ muốn được nằm viện để được cả cha mẹ chăm sóc.
(kenh14.vn)