Mỏ muối Wieliczka – kỳ quan “mặn chát” dưới lòng đất
Nằm cách trung tâm thành phố Krakow, Ba Lan khoảng 15km về phía Đông Nam, mỏ muối Wieliczka là mỏ muối lâu đời thứ hai trên thế giới (mỏ xưa nhất ở Bochnia, Ba Lan, cách Wieliczka 20km). Người ta đã khai thác muối liên tục từ thế kỷ XIII cho tới nay.
Mỏ muối Wieliczka có độ dài lên tới 300km, nơi sâu nhất cách mặt đất 300m, ngoằn ngoèo như một mê cung với khoảng 3,5km được khai thác để phục vụ du lịch.
Tại đây, du khách sẽ phải trầm trồ trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, cũng như bàn tay kỳ diệu của con người. Những căn phòng, điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của thợ mỏ trong vòng 700 năm qua đã nói lên tất cả về cuộc sống, công việc và cuộc chiến thầm lặng với thiên nhiên của những anh hùng dưới lòng đất.
Đường xuống mỏ muối Wieliczka là những bậc thang gỗ sâu hun hút và những hành lang mang hơi ẩm của muối. Từ đây, hàng chục công trình điêu khắc như phòng trưng bày, thư viện, nhà thờ, nhà hàng, bưu điện… hiện ra trước mắt du khách.
Ở độ sâu 64m, du khách sẽ phải đi trên một lối đi bộ dài và sâu. Xuống dưới khu vực này, không khí lạnh sẽ bao trùm, khiến bạn cần khoác thêm chiếc áo ấm. Cuộc hành trình sẽ chỉ kết thúc khi ở độ sâu 135m dưới bề mặt Trái đất.
Năm 1978, nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Từ nhiều năm nay, mỏ muối đã được đưa vào khai thác du lịch, mỗi năm ước tính có tới hơn 1 triệu du khách tham quan mỏ muối kỳ vĩ này.
Trải rộng trong lòng mỏ là các phòng triển lãm với các tác phẩm nghệ thuật và những bức tượng điêu khắc từ muối, kể cho người xem câu chuyện về một nền công nghiệp muối. Các bộ sưu tập lớn nhất về các công cụ, thiết bị khai thác minh chứng sự phát triển của công nghệ khai thác từ thời Trung cổ đến thời hiện đại.
Hai bên lối đi là các hình chạm trổ hoàn toàn từ muối. Những thân gỗ thông mềm ốp hành lang sau thời gian dài ngấm hơi ẩm của muối trở nên cứng như đá.
Chỉ cần quệt tay lên trần, hai bên lối đi rồi đưa lên môi, du khách sẽ cảm nhận được vị mặn của muối. Người dân nơi đây rất khâm phục sức lao động, sự sáng tạo không mệt mỏi của những người thợ mỏ Ba Lan.
Qua nhiều thế kỷ, các thợ mỏ đã thiết lập nên được các tác phẩm điêu khắc của muối mỏ tự nhiên. Lịch sử ghi lại, vào khoảng 20 triệu năm trước, khu vực Wieliczka còn là biển, với những hang động tự nhiên. Do kiến tạo của vỏ Trái đất, khu vực này dần trở thành đất liền và muối ở biển đã được tích tụ trong những hang động và các khe ngầm tạo thành mỏ muối.
Đặc biệt, Wieliczka có rất nhiều nhà thờ trong lòng đất. Nhiều người cho rằng, muối làm nên sự giàu có cho các nhà vua Ba Lan ngày xưa. Nhưng với người khai thác mỏ, nó lại là trò may rủi nhiều khi phải trả giá bằng tính mạng bởi lở hầm, khí độc… nên những người thợ mỏ đã xây nhiều nhà thờ nhỏ bằng muối, có cả tượng Chúa Jesus và cây Thánh giá. Họ cầu kinh ở đây để tìm sự bình yên trong tâm hồn.
Một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi tới đây là nhà thờ thánh Kinga – vị thánh phù hộ cho những người thợ mỏ. Nhà thờ có chiều dài 54m, rộng 15 – 18m, cao hơn 10m và có những chùm đèn lộng lẫy màu trắng được làm bằng muối kết tinh.
Ngoài bức tượng Đức mẹ cao 3m, ở đây còn có nhiều bức phù điêu, trong đó nổi bật là bức phỏng theo bức tranh “Bữa tiệc cuối cùng” của danh họa nổi tiếng Leonard de Vinci. Mỏ muối cổ xưa mang dáng dấp mê cung này đã tạo cảm hứng để dựng lại các cảnh mê cung trong tiểu thuyết lịch sử Pharaon, phát hành năm 1895 của Bolesław Prus.
(kenh14.vn)