Dân Trung Quốc sợ chất thải đất hiếm
Nhiều bệnh nan y bùng phát trong những làng gần “vựa đất hiếm” tại thành phố Bao Đầu. Rau của nông dân không thể mọc trên đất nhiễm hóa chất, còn gia súc chết hàng loạt.
Bao Đầu, một thành phố thuộc khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, là nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất tại Trung Quốc. Đất hiếm được khai thác tại Bayan Obo, nơi cách Bao Đầu chừng 120 km về phía bắc. Sau đó người ta đưa đất hiếm tới Bao Đầu để xử lý, Le Monde đưa tin.
Hàm lượng nguyên tố hiếm trong quặng rất thấp nên các nhà máy phải tách chúng ra và loại bỏ tạp chất bằng các kỹ thuật luyện kim và bồn axit. Trung Quốc sản xuất khoảng 97% tổng sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới và hai phần ba số đất hiếm của Trung Quốc tới từ Bao Đầu.
Nước thải trong vũng không chỉ chứa mọi loại hóa chất độc hại mà còn nhiễm cả những nguyên tố phóng xạ như thorium. Nếu thorium xâm nhập vào cơ thể người, nó cơ thể gây ung thư máu, phổi và tụy.
“Ngày xưa, trước khi các nhà máy xuất hiện, những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt. Thế rồi các ruộng dưa hấu, cà chua, cà tím phải nhường chỗ cho những vũng nước độc hại”, Li Guirong, một người dân địa phương, nói.
Vào năm 1958, khi Li mới chỉ là cậu bé 10 tuổi, công ty Sắt thép Bao Đầu (Baogang) bắt đầu khai thác quặng đất hiếm. Ngay sau đó hồ nước bẩn xuất hiện.
“Ban đầu chúng tôi không chú ý tới tình trạng ô nhiễm mà các nhà máy gây ra. Làm sao chúng tôi có thể biết là chúng gây ô nhiễm chứ”, Li tâm sự.
Với tư cách là bí thư đảng ủy ở địa phương, Li là một trong số ít người dám chỉ trích tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Ông khẳng định rằng, từ khi các nhà máy bắt đầu xử lý quặng đất hiếm tới cuối thập niên 80, năng suất cây trồng trong vùng bắt đầu giảm mạnh.
“Cây cối sinh trưởng chậm. Chúng vẫn ra hoa, nhưng nhiều cây không có quả, hoặc tạo ra những quả nhỏ xíu hoặc có mùi rất đáng sợ”, ông kể.
Rồi đến một ngày, người dân trong các làng buộc phải chấp nhận thực tế là họ không thể tiếp tục trồng rau và cây lương thực như xưa. Tại Xinguang Sancun, một trong những làng gần các nhà máy nhất, nông dân chỉ có thể trồng ngô và lúa mì.
Một nghiên cứu do cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Bao Đầu tiến hành cho thấy đất hiếm là thủ phạm của tình trạng ô nhiễm. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất mới và nhà máy nhiệt điện (sử dụng nhiên liệu hóa thạch) trong khu công nghiệp mới của thành phố cũng góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Giờ đây nồng độ hóa chất độc trong đất và nước ngầm của thành phố đã đạt tới mức bão hòa. 5 năm trước Li buộc phải vứt những con lợn ốm của ông. Chúng là những động vật cuối cùng còn sống trong làng, bởi trước đó chất độc đã cướp sinh mạng của gà, bò, ngựa và dê.
Nhiều nông dân đã rời quê hương. Không có người ở, những ngôi nhà gạch nhỏ trong làng Xinguang Sancun trở nên hoang tàn và yếu dần. Chỉ trong vòng 10 năm dân số trong làng đã giảm từ 2.000 xuống 300.
Lu Yongqing, 56 tuổi, là một trong những người đầu tiên bỏ làng vì không thể nuôi được gia đình. Ông thử vận may tại thành phố Bao Đầu với các nghề thợ nề, bốc gạch, bán rau. Theo Lu, những nông dân bị cộng đồng đối xử như công dân hạng hai ở thành phố và phải bán sức lao động với giá rẻ mạt.
Những nông dân bám làng đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh. Rất nhiều người mắc tiểu đường, loãng xương và hội chứng tức ngực.
“Mọi gia đình đều có người mắc bệnh. Tôi đã gõ cửa các cơ quan công quyền trong gần 20 năm qua để kêu cứu”, He Guixiang, một người phụ nữ 60 tuổi trong làng, kể.
Nhờ liên tục gây áp lực với quan chức địa phương, người dân trong làng nhận được lời hứa về việc đền bù tài chính đối với những tác động môi trường. Chính quyền từng thảo luận với dân về kế hoạch xây những ngôi nhà mới cho họ ở chỗ an toàn hơn. Các tòa nhà cao tầng đã mọc lên ở vị trí cách làng của họ vài km về phía tây. Công ty Baogang đã chi tiền xây những công trình đó.
Song tới bây giờ các tòa nhà vẫn trống rỗng. Chính quyền địa phương yêu cầu người dân mua quyền sở hữu nhà, song lại không cho phép họ để lại cho con, cháu.
Trong tình thế quẫn bách, một số người dân bán chất thải từ trong hồ nước thải, thứ vẫn chứa nguyên tố kim loại hiếm, cho các nhà máy. Nếu bán được một tấn chất thải, họ sẽ thu về 300 USD.
Nhưng bán chất thải từ quặng đất hiếm là một việc mạo hiểm. Một người dân đang bị xét xử vì việc này và mức án mà bị cáo nhận có thể là 10 năm tù.
Theo VNE