Nên chọn hệ điều hành nào?
Hệ điều hành trên smartphone hay máy tính bảng hiện đang được xem là “chìa khóa” quyết định thành công của các nhà sản xuất. Song dù có mặt đã lâu hay mới chỉ xuất hiện gần đây thì mỗi hệ điều hành đều có những ưu, khuyết điểm riêng ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn của người dùng.
Bài viết này sẽ điểm sơ qua những ưu, nhược điểm của các hệ điều hành di động phổ biến hiện nay.
Android
Những ưu điểm dễ thấy nhất của Android chính là khả năng tùy biến nhanh chóng, dễ làm quen, ứng dụng hỗ trợ phong phú, tương thích với đa cấu hình phần cứng của các nhà sản xuất… Đặc biệt, điện thoại sử dụng HĐH Android còn có ưu điểm là liên tục được cập nhật phiên bản mới theo chu kỳ từng năm, thậm chí là theo quý. Dù đã hay chưa từng sử dụng smartphone Android thì bạn cũng không cần quá lo lắng về việc thay đổi. Hầu như tất cả những smartphone sử dụng HĐH Android đều rất dễ sử dụng, đơn giản trong tùy biến theo sở thích cá nhân, cũng như có rất nhiều ứng dụng để thỏa mãn nhu cầu của từng người dùng.
Ngoài những ưu điểm trên thì HĐH Android cũng có những điểm yếu khiến cho người dùng cảm thấy không thích. Mặc dù được cập nhật phiên bản mới liên tục nhưng chính vì vậy mà Android là HĐH có quá nhiều phiên bản, bị phân mảnh khiến cho việc nâng cấp lên phiên bản mới khó thực hiện đồng nhất trên nhiều thiết bị. Thêm vào đó, mỗi hãng điện thoại lại có quyền “tùy chỉnh” theo ý thích riêng nên đôi lúc lại khiến người dùng bối rối khi thay đổi thiết bị. Một điểm yếu khác là Android có khá nhiều lỗ hổng bảo mật dù nền tảng của nó là Linux, HĐH được đánh giá là có tính bảo mật cao.
iOS
Apple với HĐH iOS vẫn đang chứng minh sức hút của mình với những ưu điểm vượt trội như: giao diện thiết kế đẹp, tinh tế, bảo mật cao và sở hữu một chợ ứng dụng vô cùng phong phú. Không những được đánh giá rất cao về mặt giao diện sử dụng mà hầu hết những ứng dụng trên iOS cũng rất hấp dẫn với chất lượng đồ họa cao, đa dạng thể loại. Song song đó trong mỗi lần nâng cấp, Apple luôn khiến người sử dụng phải ngạc nhiên thích thú với quá nhiều thay đổi trong từng phiên bản.
Mặc dù vậy, việc Apple quá “trung thành” với iTunes sẽ gây nhiều khó khăn cho những người mới tiếp cận iOS. Nếu không am hiểu máy tính, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian trong việc đồng bộ danh bạ, chép ứng dụng nhạc, phim từ máy tính vào điện thoại thông qua iTunes.
Windows Phone
Windows Phone có những ưu điểm rất dễ nhận thấy là sử dụng các dịch vụ của Microsoft nên tính đồng bộ với máy tính cao, giao diện Metro độc đáo, hỗ trợ công việc với các tiện ích văn phòng mạnh mẽ và cũng rất dễ tiếp cận sử dụng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ thế hệ thiết bị sử dụng Windows Mobile trước đây mà HĐH Windows Phone hiện tại bị đánh giá là quá cũ kĩ, chỉ hấp dẫn doanh nghiệp chứ không hấp dẫn người sử dụng là cá nhân. Mặt khác, giao diện Metro tuy độc đáo nhưng lại không đẹp, chợ ứng dụng của Windows Phone chưa thật sự đa dạng và giá ứng dụng vẫn còn khá cao.
BlackBerry OS
Những chiếc smartphone chạy BlackBerry OS có những ưu điểm vượt trội như hoạt động ổn định, giao diện đơn giản, hỗ trợ Push Mail, xử lý công việc tốt và tính bảo mật rất cao. Đối với giới văn phòng thường xuyên sử dụng email trên điện thoại, di chuyển liên tục và yêu cầu bảo mật cao thì BlackBerry thật sự là một hệ điều hành rất tuyệt.
Điểm yếu của BlackBerry OS là không thân thiện và khó sử dụng đối với những người không am hiểu công nghệ. Khả năng tùy biến cá nhân còn hạn chế và hệ điều hành chưa có nhiều phiên bản đột phá. Mặc khác, để sử dụng Push Mail, người dùng phải đăng ký gói cước BIS/BES thông qua nhà mạng khá đắt và rắc rối. Cũng như Marketplace trên Windows Phone, chợ ứng dụng BlackBerry App World của RIM vẫn còn xa lạ với nhiều người và số lượng ứng dụng vẫn còn ít.
Symbian
Điểm mạnh của HĐH Symbian là giao diện đơn giản, dễ sử dụng cho bất kỳ ai lần đầu tiếp cận, không đòi hỏi cấu hình phần cứng cao, nhiều ứng dụng đáng giá và cộng đồng người dùng đông đảo. Ngay ở thời điểm hiện tại, khi Android và iOS đang thống lĩnh thị trường smartphone thì nhiều người dùng vẫn chọn Symbian chỉ bởi sự đơn giản, dễ sử dụng, và tính hiệu quả mà Symbian đem lại.
Tuy nhiên, so với các HĐH khác thì Symbian tỏ ra khá lạc hậu khi không bắt kịp sự đổi mới liên tục từ các đối thủ. Chợ ứng dụng Nokia Store không được cập nhật ứng dụng mới thường xuyên, các phiên bản nâng cấp chưa có những thay đổi đáng kể, hỗ trợ cảm ứng chưa thực sự tốt… Điều này có thể cho thấy sự thờ ơ của Nokia đối với HĐH “con cưng” của mình. Thậm chí, ngay cả những dòng smartphone mới của Nokia trong thời gian gần đây cũng được tích hợp Windows Phone chứ không phải Symbian như truyền thống.
Mai Đức Dũng (theo eChip-Mobile)
(vietnamnet.vn)