Nhiếp ảnh Olympic “lên đời” nhờ ảnh phơi sáng chồng
Trong những ngày này, Thế vận hội Olympic London không chỉ “nóng” bởi những cuộc tranh tài gay cấn giữa các VĐV, mà phía sau hậu trường cũng “nóng” không kém bởi cuộc chạy đua tác nghiệp giữa các phóng viên, nhà báo.
Một kết quả mà cuộc đua này mang tới cho khán giả là những hình ảnh thi đấu “mãn nhãn”, được thực hiện bởi kỹ thuật chụp phơi sáng chồng.
Một VĐV người Đức với pha tung mình ấn tượng trên xà đơn.
Nhào lộn trên cầu thăng bằng.
Hai VĐV nam trong phần thi đấu kiếm.
Phơi sáng chồng (Multiple Exposure) là kỹ thuật chụp từ 2 lần trở, kết quả là trên một tấm hình sẽ có các đối tượng được “chồng” lên nhau.
Ảnh chồng lớp đã có từ lâu, song nhờ sự kết hợp với công nghệ hiện đại, nó đã thực sự đưa nhiếp ảnh thể thao “lên một tầm cao mới” trong mùa Thế vận hội này.
Sau khi chụp chồng lớp, nhiếp ảnh gia cần dùng Photoshop để chỉnh phông nền, màu sắc, ánh sáng.
Đây là kỹ thuật chụp rất khó, nhất là với ảnh thể thao.
Một nhiếp ảnh gia của AP cho biết, ông chụp tới 4.000 bức ảnh mỗi ngày bao gồm mọi cuộc thi đấu và gần như tất cả các VĐV, song chỉ một phần nhỏ trong số đó khiến ông vừa ý.
Để hỗ trợ việc ghi hình, năm nay các hãng thông tấn lớn như Reuters, AP, Telegraph… đã huy động một dàn camera robot án ngữ ở những vị trí mà các nhiếp ảnh gia chưa từng được tác nghiệp trước đây.
Thay vì chạy lăng xăng tìm góc chụp rồi zoom vào sàn thi đấu, giờ đây với hàng chục máy ảnh robot được điều khiển từ xa bằng hệ thống máy tính gắn xung quanh vị trí thi đấu của VĐV, các phóng viên có thể chụp hình rồi biên tập và gửi về cho “nhà đài” ngay tại chỗ.
Pha xoay mình trên không của VĐV nhảy cầu người Ý.
Màn thi đấu đua ngựa tại công viên Greenwich.
Các nữ VĐV bóng chuyền đội tuyển Nga và Algeria trong một trận đấu thuộc vòng bảng.
Tay vợt trẻ người Trung Quốc Chen Long.
Với khả năng chụp “siêu tốc” lên tới 14 khung hình mỗi giây, một máy ảnh robot có thể ghi lại mọi chuyển động của VĐV từ nhiều góc độ. Dùng máy này để chụp chồng lớp, nhiếp ảnh gia có thể tạo ra những bức ảnh ghi lại chuỗi chuyển động của các VĐV khi thi đấu.
Chúng giống như phim quay chậm, song ngoạn mục hơn nhiều, bởi ta có thể thấy rõ VĐV chuyển động như thế nào khi nhào lộn, xoay mình trên không, đá cắt kéo… những động tác khó với kỹ thuật phức tạp mà chỉ diễn ra trong vài phần giây.
Cú trả giao bóng của VĐV quần vợt người CH Séc – Petra Kvitova.
Màn biểu diễn của một VĐV nhảy cầu người Trung Quốc.
Động tác xoạc chân tiếp đất tuyệt đẹp của VĐV 15 tuổi người Mỹ – Kyla Ross. Cô là một trong những VĐV trẻ nhất tham gia Olympic lần này.
Nỗ lực nâng đòn tạ của VĐV Triều Tiên – Kim Un Guk – người vừa phá kỷ lục thế giới ở môn cử tạ nam hạng 62kg.
Nhờ vậy, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng mọi hình ảnh đẹp nhất của các vận động viên, không chỉ những động tác uyển chuyển đẹp mắt, độ dẻo dai, sức rướn, sức bền… mà còn cả sự nỗ lực, quyết tâm chiến thắng hiện rõ trên từng khuôn mặt.
Fabrizio Bensch, một phóng viên ảnh của Reuters cho biết, “Chúng tôi cố gắng cho người xem thấy được những gì các VĐV đã thực sự trải qua trên con đường đi đến vinh quang”.
Pha cân sức nghẹt thở giữa hai VĐV Judo của Brazil (trắng) và Ukraine.
Hai nữ VĐV người Đức và Italia trong trận đấu kiếm thuộc vòng 1/16 nội dung đấu kiếm.
Các động tác trong bài thi của VĐV thể dục dụng cụ người Đức – Sebastian Krimmer.
Những động tác nhào lộn đẹp mắt của các nữ VĐV thể dục dụng cụ.
(kenh14.vn)