4 nhiệm vụ “hãi hùng” trong lịch sử nhân loại
Có một câu chuyện đùa về việc tuyển dụng những người làm “nhiệm vụ bất khả thi”, ví dụ như: làm việc ở công ty bia – đứng làm bia cho quân đội tập bắn; công tác ở sở thú – sáng đánh răng cho sư tử, trưa tắm cho hổ, chiều lùa cá mập ra biển, tối lùa cá mập về; hay việc làm tại xưởng cơ khí – cưa bom hạt nhân, lấy urani, mỗi ngày 1 quả, xong sớm nghỉ sớm, không quản thời gian…
Chắc hẳn, nghe xong những công việc “hãi hùng” trên, bạn sẽ cảm thấy không thể tin nổi. Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, có những nhiệm vụ, công việc cũng nguy hiểm không kém, tiềm ẩn cái chết lớn, vô cùng đáng sợ và thậm chí bạn chưa từng nghe tên…
1. Thủy thủ tàu ngầm
Ý tưởng về một chiếc tàu ngầm đã có từ thời Leonardo da Vinci, song phải tới tận cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865), nó mới trở thành hiện thực. Thiết kế đầu tiên của phát minh này thực chất là một ống kim loại dài, rỗng, bên trong có các thiết bị và dụng cụ cần thiết cho 8 thủy thủ đoàn dưới nước. Tên của con tàu là Hunley.
Ngay trong chuyến thử nghiệm đầu tiên, 5 trong số 8 người đã thiệt mạng do lỗi sơ suất của đội trưởng tàu ngầm. Chuyến thử nghiệm thứ 2 thậm chí còn tồi tệ hơn, toàn bộ tình nguyện viên đã chết đuối dưới đáy biển. Trở thành một thủy thủ tàu ngầm có lẽ là sự ám ảnh kinh hãi với mọi lính thủy lúc bấy giờ.
Ngày 17/2/1864, bất chấp sự thất bại khi thử nghiệm, người ta vẫn gắn ngư lôi vào Hunley, giao cho nó nhiệm vụ tiêu diệt tàu quân sự USS Housatonic. Thật ngạc nhiên, lần này nó đã thành công, đánh chìm con tàu địch có trọng tải 1.240 tấn. Tuy nhiên, chỉ có thủy thủ đoàn may mắn sống sót nhưng bị chấn thương hô hấp nghiêm trọng, còn con tàu Hunley đã vĩnh viễn nằm dưới đáy đại dương.
2. “Khỉ” mang thuốc súng
Khi công nghệ còn chưa phát triển, những trận thủy chiến trên biển luôn sặc mùi thuốc súng của các khẩu thần công từ thuyền chiến. Vì thế, đó là “dịp tốt” cho những thủy thủ nhỏ tuổi có việc làm. Trên tàu, các em bị gọi là những chú khỉ con.
Công việc của các em là bỏ chất dẫn cháy vào khẩu pháo khi trận chiến đang diễn ra hay vác trên lưng những ống thuốc súng đi từ dưới tàu lên boong. Đôi khi, chúng còn giúp thủy thủ định lượng thuốc súng cần thiết khi tấn công mục tiêu.
Công việc này thật sự nguy hiểm và ghê rợn. Theo như nhiều người kể lại, có những đứa trẻ chết giữa trận chiến nhưng cũng có những đứa đáng thương hơn bởi thuốc súng phát nổ ngay trên lưng. Tàn ác hơn, phần lớn những đứa trẻ làm việc này đều bị bắt cóc và bị đem bán, chúng phải làm việc quần quật mà không được trả lương.
3. Đánh trống lệnh trong chiến trận
Trong chiến đấu, binh lính không thể nghe hết mệnh lệnh của chỉ huy mà phải dựa chủ yếu vào trống lệnh và làm theo. Vì thế, những đứa bé chỉ mới 8 – 12 tuổi được lựa chọn, thao luyện liên tục để phục vụ toàn quân.
Chúng cũng ra trận, song không một vũ khí, bảo hộ, áo giáp để tự vệ mà chỉ có trên tay chiếc trống và dùi mà thôi. Đối mặt với cái chết khi tuổi đời còn quá nhỏ thực sự là một gánh nặng lớn so với những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng, đáng được sống trong sự che chở của gia đình như các em.
4. Tiểu đoàn hình sự
Năm 1942, Joseph Stalin đã ra mệnh lệnh số 227 nhằm ngăn cấm mọi hành vi chạy trốn khỏi trận chiến của binh sĩ. Cùng với đó, một đơn vị đặc biệt mới ra đời, gọi là “tiểu đoàn hình sự”. Thành viên của nhóm này gồm tập hợp những binh sĩ đã bỏ trốn trong các trận chiến hay những tù nhân chiến tranh đang bị giam giữ.
Thống kê cho thấy, đã có khoảng 400.000 người bị bắt tham gia vào đơn vị này. Số binh lính “được” tham gia trong trận chiến Stalingrad là 929 người. Nhiệm vụ của họ là tiêu diệt những căn cứ điểm quan trọng, nó đòi hỏi sự hi sinh và lòng cảm tử lớn. Và tỷ lệ chết trong những binh đoàn này lên tới 90%, bị coi gần như là “bia đỡ đạn sống”.
Họ là người đi trước, mở đường cho quân chủ lực, đối mặt với áp lực sống còn. Thậm chí, nếu muốn, họ cũng không thể bỏ trốn lần thứ 2 vì phía sau là một đội quân luôn sẵn sàng bắn tiêu diệt kẻ địch, không loại trừ những đồng đội có ý định đào ngũ và phản quốc.
(kenh14.vn)