Những kẻ ‘lạc loài’ trong tự nhiên
Đối lập với bệnh bạch tạng, bệnh hắc tố nhuộm đen cơ thể các động vật, biến chúng trở thành những kẻ lạc lõng, kỳ dị giữa đồng loại trong tự nhiên.
Một cặp thằn lằn lưỡi xanh phương Đông song sinh cùng mắc bệnh hắc tố. Chứng hắc tố chỉ là một đột biến sắc tố cực điểm làm đen sạm các động vật. Ảnh: Oddee.
Một cá thể thuộc loài sóc đất lông vàng bị bệnh hắc tố. Sóc đất lông vàng thường được tìm thấy tại các vùng núi phía tây khu vực Bắc Mỹ. Một vài cá thể mắc bệnh hắc tố thuộc loài này thỉnh thoảng xuất hiện trong khu vực trong những khoảng thời gian thường xảy ra các đám cháy. Ảnh: Oddee.
Trong vài tuần trở lại đây, 2 bức ảnh ấn tượng về sư tử đen đang lan truyền nhanh trên mạng Internet. Lí do khiến chúng thu hút sự chú ý đến như vậy là vì, theo ngành động vật học chính thống, sư tử đen đơn giản không tồn tại trong thực tế. Nếu có, chúng nhiều khả năng nhất là các cá thể bị bệnh hắc tố. Điều đáng buồn với những người vẫn luôn hy vọng về một phát hiện động vật mới là, đây hoàn toàn là các sản phẩm của kỹ thuật tạo hiệu ứng ảnh photoshop. Ảnh: Oddee.
Ảnh về một con nai đen hiếm gặp ở Austin, Texas, Mỹ. Ảnh: Oddee.
Một con chim cánh cụt đen hoàn toàn, cực hiếm được Andrew Evans – phóng viên của tạp chí National Geographic phát hiện gần Nam cực. Con chim cánh cụt hoàng đế này trông không giống những đồng loại trong bộ cánh tuxedo vì một loại đột biến có tỷ lệ xuất hiện 1 phần tỷ tỷ. Ảnh: Oddee.
Cáo lông bạc là một dạng mắc bệnh hắc tố của cáo lông đỏ. Bệnh hắc tố xảy ra khi có sự phát triển bất thường của sắc tố sẫm màu trong da. Các con cáo mang bệnh thể hiện nhiều sắc độ khác nhau trên màu da và bộ lông của chúng: một số con đen toàn thân, trừ phần mỏm đuôi màu trắng; trong khi số khác có thể mang màu xám xanh. Trong tự nhiên, các con cáo bạc có thể là anh chị em ruột với những con cáo lông đỏ bình thường khác. Chúng cũng không “kén” việc giao phối với riêng các thành viên bị đột biến như mình.
Một chú hải cẩu con bị hắc tố ở Shetland, Anh. Ảnh: Oddee.
Báo đen hay beo là một dạng biến dị di truyền xảy ra đối với một vài loài mèo lớn. Các cá thể này có màu đen do mang đột biến gen liên quan đến quá trình chuyển hóa melanin. Biến dị này sẽ có thể đem lại một vài ưu thế chọn lọc cho các cá thể sinh sống trong những khu vực có mật độ rừng dày dặc, mức chiếu sáng rất thấp, ví dụ như hệ thần kinh cân bằng hơn và phản ứng nhanh hơn. Đây không phải là một loài riêng vì không có sự cách ly giao phối với các nhóm khác. Trong một lứa của cặp báo bố mẹ bình thường có thể sinh ra các cá thể mang và không mang đột biến. Biến dị này phổ biến ở báo đốm Mỹ (Panthera onca) và báo hoa mai (Panthera pardus). Ảnh: Oddee.
Tuấn Anh
(vietnamnet.vn)