‘Gà trống nuôi con’ ở Nhật Bản
Từng lát bánh mỳ thơm lừng hương sữa được đặt vào chảo rán, xung quanh là ánh mắt ngưỡng mộ xen lẫn háo hức của các ông bố trẻ, những người vẫn được xã hội Nhật Bản gọi là “gà trống nuôi con”.
Các ông bố đơn thân và con của họ tham gia lớp học làm bánh mỳ nướng kiểu Pháp do chính Katayama hướng dẫn. Ảnh: JapanTimes |
Họ có mặt tại đây là để học cách làm những chiếc máy mỳ nướng kiểu Pháp đúng cách. “Các anh phải trộn trứng và sữa, nhúng từng lát bánh mỳ qua hỗn hợp này rồi đặt vào chảo nóng”, tiếng người đầu bếp, cũng là một ông bố đơn thân, vang lên khắp căn phòng. Những người đàn ông chăm chú theo dõi, tập trang trí cho từng lát bánh mỳ bằng kem tươi và thưởng thức chúng trong sự mãn nguyện.
“Trong “Gà trống muôi con” (Kramer versus Kramer), bộ phim nói về Dustin Hoffman, người đàn ông bỗng nhiên phải trở thành một ông bố đơn thân, nhân vật chính không biết cách làm bánh mỳ nướng kiểu Pháp”, Tomoyuki Katayama, người tổ chức sự kiện này, cho biết. “Nhưng anh ấy vẫn cố gắng làm việc đó và cuối cùng đã có thể cho ra lò những chiếc bánh tuyệt đẹp.”
Thời gian trở lại đây, Katayama luôn có mặt tại Trung tâm Bình đẳng Giới, thành phố Nishinomiya vào mỗi sáng thứ 7 cuối tuần. Anh ở đó là để giúp những ông bố đơn thân và các con của họ học cách làm bánh mỳ nướng kiểu Pháp, một món ăn khoái khẩu của mọi đứa trẻ Nhật Bản. Katayama cũng thường nói chuyện với những người đàn ông đang trong tình trạng “gà trống nuôi con” và bày tỏ suy nghĩ của anh về vấn đề này.
Cuối năm 2009, Katayama sáng lập nhóm Những ông bố Đơn thân Nhật Bản, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Niigata. Thông qua tổ chức này, Katayama muốn nâng cao nhận thức của những “gà trống nuôi con” và kiến nghị chính phủ trao cho họ những quyền lợi tương tự các bà mẹ đơn thân. Nền văn hóa trước đây của Nhật Bản luôn khiến phụ nữ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn so với nam giới. Họ phải ở nhà, trông con và ít được giao tiếp với xã hội. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã thay đổi 180 độ, với sự gia tăng tỷ lệ ly hôn và sự tự chủ của phái yếu, con số những ông bố đơn thân tại Nhật Bản đã tăng từ 166.000 vào năm 2005 lên 204.000 năm 2010, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông.
Bản thân Katayama cũng là một ông bố đơn thân. Anh thú nhận rằng khi kết hôn vào năm 1993, anh chưa từng nghĩ mình, cũng như rất nhiều đàn ông Nhật Bản, sẽ trở thành một “gà trống nuôi con”.
Khi cuộc hôn nhân kết thúc vào năm 2005, anh giành được quyền nuôi hai con, một trai một gái. Tại thời điểm đó, Katayama quyết tâm một mình nuôi con là bởi anh cho rằng, nhiệm vụ tối quan trọng của một người đàn ông Nhật Bản là chăm lo cho gia đình của mình.
Vài năm sau, Katayama tham gia một diễn đàn trực tuyến của những bậc cha mẹ đơn thân, với vai trò một người tư vấn pháp lý về vấn đề ly hôn. Một chiều năm 2008, Katayama nhận được tin nhắn cầu cứu từ một người đàn ông. Người này cho biết, anh bị khủng hoảng khi cố gắng cân bằng công việc và chăm sóc con cái. Anh thậm chí không thể tìm nổi một công việc thích hợp, bởi các nhà tuyển dụng không nghĩ một ông bố đơn thân có đủ khả năng để làm việc hết mình. Trước khi liên lạc với Katayama, người này đã bị đuổi khỏi căn hộ của mình và hoàn toàn tuyệt vọng.
Anh ta thậm chí đã nghĩ tới cái chết.
Katayama đã dành cả đêm để thuyết phục anh ta bỏ ý định tự tử và chỉ ra cách để thoát khỏi tình trạng hiện tại. Theo Katayama, chính xã hội là nhân tố đã đẩy rất nhiều người đàn ông như vậy xuống vực thẳm.
“Đó chính là động lực”, Katayama nói. “Cuộc nói chuyện khiến tôi nhận ra rằng chúng ta cần hỗ trợ những ông bố đơn thân tại Nhật Bản.”
Trong năm tiếp theo, thông qua tổ chức Fathering Japan, Katayama tham gia vào một nhóm từ thiện mới mang tên Qũy Bánh mỳ nướng kiểu Pháp, tổ chức quyên góp tiền cho những ông bố đơn thân có hoàn cảnh khó khăn tại Nhật Bản. Để tăng cường ảnh hưởng, anh cùng nhiều tổ chức khác trong khu vực hợp nhất để cho ra đời một nhóm mới: Những ông bố Đơn thân Nhật Bản.
Nhiệm vụ đầu tiên của tổ chức là kêu gọi trợ cấp cho các ông bố đơn thân, món tiền từ chính phủ mà những bà mẹ đơn thân vẫn được hưởng. Thông qua các phương tiện truyền thông, nhóm đã nhận được sự quan tâm từ chính phủ. Một dự luật nhằm hỗ trợ cho các ông bố đơn thân đã được ban hành và đưa vào áp dụng từ tháng 8/2010.
Katayama cho biết anh đang cố gắng để tăng cường sự quan tâm của xã hội tới những ông bố đơn thân ở Nhật Bản, nhằm mang tới cho họ những cơ hội tốt hơn và chắc chắn rằng thế hệ tiếp theo không phải hứng chịu những khó khăn mà anh từng phải trải qua.
“Điều chúng tôi thực sự cần”, Katayama nói, “là một lối rẽ an toàn có thể giúp các ông bố đơn thân thoát khỏi vực sâu không đáy”.
Quỳnh Hoa (Theo JapanTimes)
(vnexpress.net)