Người giàu cũng đói
– Tổ chức an ninh lương thực Canada (Food Secure Canada) ước tính có khoảng 2,5 triệu người dân nước này thiếu ăn.
90.000 người tới ngân hàng lương thực
Tan học về nhà, Mark chỉ kịp chào mẹ thật to kèm theo câu “Con đói quá” và lao thẳng tới tủ lạnh tìm đồ ăn lót dạ trước bữa tối.
Shelley, mẹ cậu bé Mark, đi vào bếp, cố gắng cầm nước mắt. Cô nói với cậu con trai: “Mark, chúng ta hết đồ ăn rồi. Con có thể chờ tới bữa khuya được không?”. Shelley biết rằng, thức ăn trong nhà chẳng còn đủ cho bữa tối nay và bữa trưa mai. Tiền lương tháng này mà Shelley kiếm được từ 2 công việc không đủ chi tiêu.
Ngày hôm sau, Shelley đã phải tới ngân hàng lương thực để xin giúp đỡ trong sự xấu hổ và tuyệt vọng. Đây là lần đầu tiên cô làm việc này. Những gì cô nhận được là một hộp thực phẩm khẩn cấp đủ ăn trong 3 ngày.
Trường hợp như thế này không hiếm gặp ở Canada. Bà Katharine Schimdt, Giám đốc điều hành Ngân hàng lương thực Canada cho biết, mỗi ngày, tổ chức của bà đều giúp đỡ những gia đình trong hoàn cảnh tương tự. Theo thống kê của Ngân hàng lương thực Canada, mỗi tháng có khoảng 900.000 người nhận sự trợ giúp của họ, trong đó 38% là trẻ em và người trẻ tuổi.
Ông Olivier De Schutter, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Quyền có thực phẩm đánh giá rằng, các ngân hàng lương thực không phải là giải pháp mà chỉ là dấu hiệu của sự thất bại của các mạng lưới an sinh xã hội.
38% số người nhận trợ giúp mỗi tháng của Ngân hàng Lương thực Canada là trẻ em và người trẻ tuổi. |
Bị điều tra về vấn đề lương thực
Sau chuyến công du 11 ngày tới Canada vào tháng 5/2012 nhằm điều tra vấn đề thiếu thốn lương thực ở đây, ông Schutter cho biết, có 1/10 gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi không thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm hằng ngày. Tại một nước có mức sống đáng ghen tị và từ lâu được coi là một vùng đất trù phú như Canada, “tỷ lệ mất an ninh lương thực này là không thể chấp nhận được”.
Canada hiện không thể cân bằng phúc lợi hỗ trợ xã hội cũng như lương tối thiểu với các chi phí dành cho các nhu cầu cơ bản đang ngày càng tăng cao.
Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mới Malcolm Allen cho biết: “Chính phủ nói rằng nếu bạn có công việc, bạn sẽ không nghèo. Nhưng đó không phải là sự thật”. Theo ông Allen, đa phần lương thực mà người tiêu dùng nước này sử dụng đều không được trồng trong nước. Rất nhiều nông dân đã phải làm những công việc ngoài đồng ruộng để kiểm sống hoặc xuất khẩu tất cả các sản phẩm họ làm ra sang các nước khác.
Hơn nữa, ông De Schutter cho biết, tình trạng bất bình đẳng ở nước này ngày càng gia tăng: “Điều tôi thấy ở Canada là một hệ thống cản trở người nghèo tiếp cận với thực phẩm bổ dưỡng và tác động không đều lên người nghèo và người giàu”.
Canada là quốc gia phát triển đầu tiên đối mặt cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về vấn đề lương thực, vốn được thực hiện ở nước đang phát triển. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhập cư Jason Kenney cho rằng, ông De Schutter đang phí tiền khi làm việc này. “Chúng tôi hy vọng rằng những đóng góp của mình cho Liên Hợp Quốc sẽ được sử dụng để giúp đỡ những người đang chết đói tại các nước phát triển, chứ không phải là tới thuyết giảng ở các nước phát triển và giàu có như Canada”.
Năm ngoái, Canada tuyên bố sẽ hỗ trợ 25 triệu USD/năm cho Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc trong 5 năm tới nhằm giúp đỡ những người chịu tác động của nghèo đói, thảm họa tự nhiên và xung đột. Tính tới năm 2011, Canada là nước viện trợ lớn thứ hai của chương trình này.
Lê My (Theo CBC, CTV)
(bee.net.vn)