159 năm ngày sinh Nikola Tesla: Nhà phát minh của những giấc mơ
Làm thế nào mà cảnh hoàng hôn thơ mộng và lãng mạn lại có thể liên quan đến những động cơ điện xoay chiều? Trong những giấc mơ thì mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là giấc mơ của một nhà phát minh thiên tài như Nikola Tesla…
Khi các thành viên của Hội Thương mại Chicago đến nghe bài giảng của nhà phát minh điện học nổi tiếng Nikola Tesla ngày 13/5/1899, họ đã rất sững sờ khi nhìn thấy cảnh một hồ nước nhân tạo nằm ngay giữa hội trường.
Mọi người bàn tán xôn xao, chắc chắn Tesla sẽ làm điều gì đó rất thú vị với một chiếc xuồng nhỏ đang trôi trên mặt hồ kia. Đột nhiên, cái xuồng bỗng di chuyển quanh hồ và phát ra những luồng sáng loang loáng. Ở trên bờ, Tesla đang vận hành một bộ điều khiển từ xa, dùng sóng vô tuyến vô hình để truyền các lệnh đến chiếc xuồng.
Trước đám đông đang vô cùng phấn khích, Tesla đã mời một số người hô lên các lệnh: “Rẽ trái! Phát sáng!”. Sử dụng bộ phát sóng không dây của mình, Tesla liên tục truyền các tín hiệu cho chiếc xuồng.
Kỳ thú hơn nữa, Tesla còn trình diễn cho mọi người một màn trận giả đặc sắc, điều khiển những khối thuốc nổ dynamite lao thẳng vào các tàu của kẻ địch. Khi ấy, Tesla đã không thể biết rằng, cái mô hình “đồ chơi” của ông đã trở thành nguyên mẫu đầu tiên cho tên lửa dẫn đường – một thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm.
Giấc mơ về một loại động cơ
Tesla sinh ngày 10/7/1856 trong một gia đình người Xec-bi ở vùng biên giới của đế quốc Áo-Hung, ngày nay là Croatia. Khi còn thiếu niên, Tesla học kỹ thuật ở trường Bách khoa Joanneum ở Graz, Áo. Ở đó, những bài giảng về vật lý của giáo sư Jacob Poeschl đã cuốn hút rất nhiều người trẻ tuổi.
Từ những bài giảng của Poeschl, Tesla đã bắt đầu suy nghĩ về một trong những phát minh quan trọng nhất của mình, một động cơ AC (điện xoay chiều). Một ngày, khi quan sát giáo sư của mình đang cố gắng khắc phục hiện tượng phát tia lửa điện từ các chổi quét đảo mạch của một động cơ DC (điện một chiều), Tesla đã nảy ra ý tưởng chế tạo một loại động cơ mà không cần đến bộ đảo mạch, anh lập tức đề xuất với thầy. Bực mình vì sự ngang bướng của học trò, Poeschl đã diễn giải một tràng dài về sự bất khả thi trong việc chế tạo một loại động cơ như vậy, cuối cùng ông kết luận: “Anh Tesla có lẽ sẽ làm nên những thứ vĩ đại, nhưng chắc chắn là anh sẽ không bao giờ làm được cái động cơ ấy đâu!”.
Tuy nhiên, sự quở trách ấy đã làm bùng lên trong Tesla những ngọn lửa quyết tâm sôi sục của khát vọng tuổi trẻ. Trong suốt những năm còn ở Graz và sau đó là Prague, anh đã không ngừng theo đuổi một cách miệt mài việc nghiên cứu chế tạo một loại động cơ không phát sinh tia lửa điện.
Năm 1881, Tesla dời đến Budapest để làm việc cho hai anh em Tivadar và Ferenc Puskas. Là một nhà tài trợ đầy tham vọng, Tivadar đã từng thuyết phục Thomas A. Edison trao cho mình bản quyền những phát minh để giới thiệu chúng ở lục địa Châu Âu. Anh em nhà Puskas đang có kế hoạch xây dựng một trạm điện thoại ở Budapest sử dụng mẫu thiết kế điện thoại cải tiến của Edison. Thật không may, họ đã không thể tìm được người làm việc khi Tesla đột nhiên ốm nặng. Nhờ có sự quan tâm của người bạn học Anthony Szigeti mà Tesla đã có thể hồi phục.
Chính trong một buổi đi dạo với Szigeti, Tesla đã nảy ra một ý tưởng xuất thần về chiếc động cơ của mình. Khi họ đang say mê ngắm cảnh hoàng hôn, Tesla đã đột nhiên hình dung ra việc sử dụng từ trường quay cho chiếc động cơ – đó chính là một ý tưởng mang tính quyết định.
Tesla đã thực hiện việc đảo ngược cấu hình kỹ thuật, thay vì việc thay đổi cực từ ở rotor, ông đã thay đổi từ trường ở bên trong chính stator. Cấu hình mới này đã loại bỏ một cách tự nhiên sự phát sinh tia lửa điện. Tesla đã thấy rằng, nếu từ trường trong stator mà quay, nó sẽ làm cảm ứng một điện trường trên rotor và do đó khiến cho rotor quay. Ông cũng bắt đầu hình dung ra rằng, từ trường quay có thể được tạo ra bằng việc sử dụng AC thay vì DC, nhưng ở thời điểm đó ông vẫn chưa biết làm thế nào để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Phát minh của thợ đào kênh
Tesla đã dành tới 5 năm tiếp theo để thử nghiệm và định hình nên chiếc động cơ của mình. Sau khi giúp anh em nhà Puskas xây dựng trạm điện thoại ở Budapest, Tesla cùng với Tivadar dời đến Paris, tại đó họ tham gia vào việc thiết lập hệ thống chiếu sáng của thành phố.
Năm 1884, Tesla đến New York để gặp Edison nhưng ông đã không có dịp để xây dựng mối quan hệ với nhà phát minh lỗi lạc này. Ở New York, Tesla suýt nữa thì đã có thể trình bày với Edison về ý tưởng chiếc động cơ của mình.
Ông nhớ lại: “Lúc ấy là ở đảo Coney, và tôi đang chuẩn bị giải thích cho Edison thì một ai đó đã chạy đến kéo ông ấy đi. Chiều hôm ấy tôi về nhà và bị sốt, lần này thì tôi quyết định sẽ không nói với bất cứ người nào về chiếc động cơ của mình”.
Vài tháng sau, khi Tesla vừa hoàn thành việc thiết kế một hệ thống phát sáng hồ quang cải tiến, người quản lý của ông đã nuốt lời không trả món tiền thưởng như đã hứa, nhà phát minh đã bỏ đi trong sự căm phẫn.
Sau đó Tesla đến làm việc cho hai nhà kinh doanh Benjamin A. Vail và Robert Lane đến từ Rahway, họ đã khuyên ông đăng ký bằng phát minh về hệ đèn hồ quang để họ có thể thương mại hóa nó. Tesla đã ngây thơ trao bản quyền phát minh cho hai người quỷ quyệt này với một niềm tin rằng họ sẽ đưa vào sản xuất ra những thiết bị để cạnh tranh với Edison. Tuy nhiên, Vail và Lane đã quyết định dành tiền đầu tư vào các ứng dụng bóng đèn điện. Vì thế, khi các đèn hồ quang của Tesla vừa được sử dụng ở Rahway thì hai nhà kinh doanh đã lập thức sa thải ông và tổ chức lại nhà máy. Hoàn toàn trắng tay sau khi bị bỏ rơi, Tesla đã buộc phải đi đào kênh để kiếm sống.
Mặc dù phải chịu đựng cả một năm cực nhọc, Tesla cũng đã tập trung tài năng của mình trong tháng 3/1866 để hoàn thành một bằng sáng chế ứng dụng cho động cơ từ nhiệt – đó là một thiết bị mới, hoạt động dựa trên việc đốt nóng và làm lạnh các nam châm. Sau khi trình bày phát minh của mình cho người quản đốc công việc đào kênh, Tesla đã được giới thiệu đến gặp Charles Peck, một luật sư khá thông minh. Bị hấp dẫn bởi cái động cơ từ nhiệt, Peck đã quyết định bảo trợ cho nghiên cứu của Tesla. Vì không phải là một chuyên gia kỹ thuật nên Peck đã mời Alfred Brown, một giám sát viên ở Western Union tham gia hỗ trợ cho Tesla.
Peck và Brown đã thuê một phòng thí nghiệm cho Tesla ở Manhattan, tại đó nhà phát minh lại miệt mài phát triển chiếc động cơ từ nhiệt của mình. Đến tháng 9/1887, Tesla đã khám phá ra rằng, ông có thể tạo ra một từ trường quay khi cho hai dòng xoay chiều riêng biệt đi vào các cặp cuộn dây đặt đối diện nhau trên stator. Ngày nay thì hai dòng điện đó được gọi là lệch pha nhau 90 độ, và chiếc động cơ sẽ hoạt động với dòng điện hai pha. Rất tự hào và phấn chấn về thành quả đạt được, Tesla cũng đã cho ra đời một số sáng chế khác, cũng dựa trên nguyên lý từ trường quay. Đặc biệt quan trọng là, chính Tesla đã đưa ra ý tưởng rằng dòng xoay chiều đa pha có thể truyền năng lượng qua những khoảng cách đáng kể.
Sự cộng hưởng điện
Trong khi tìm cách để tạo ra ánh sáng hồ quang bằng việc sử dụng hệ AC, Tesla đã tìm ra những hiện tượng mới rất cơ bản, liên quan đến các hiện tượng điện tần số cao. Ông đã băn khoăn, tự đặt ra câu hỏi rằng nếu có thể tạo ra những động cơ bằng dòng AC 60Hz thì có thể chế tạo được cái gì với một dòng điện có tần số 10.000Hz? Trước đây, Tesla đã nối các cuộn cảm từ, điện trở và tụ điện lại với nhau để tạo thành các động cơ chia pha của ông, còn bây giờ ông lại nối cuộn cảm với tụ điện theo một cấu hình mới để tạo ra những dòng tần số cao.
Nhà phát minh đã theo đuổi hướng nghiên cứu này trong suốt 15 năm tiếp theo. Tesla đã nhận ra rằng, một mạch được cấu hình thích hợp có thể khuếch đại các tín hiệu điện, nâng cao tần số và hiệu điện thế của chúng. Từ đó, ông đã chế tạo những “máy phát khuếch đại khổng lồ” – ngày nay được gọi là các cuộn dây Tesla, những thiết bị này có thể sinh ra những tia lửa điện dài hơn 40m. Tesla còn nhận ra một điều rất quan trọng là, hiện tượng cộng hưởng có thể được ứng dụng để dò các tín hiệu vô tuyến. Một máy phát với một tụ điện và cuộn cảm nhất định có thể sinh ra tín hiệu ở một tần số nhất định. Tương tự như thế, nếu ở máy thu cũng có tụ điện và cuộn cảm như ở máy phát thì nó cũng sẽ phản ứng mạnh nhất đối với tần số của tín hiệu máy phát.
Từ ý tưởng cơ bản về hiện tượng cộng hưởng điện, Tesla đã đồng thời theo đuổi những phát minh trong lĩnh vực chiếu sáng, truyền tín hiệu không dây và phân phối điện năng không dây. Với hy vọng phát triển một loại bóng đèn hiệu suất cao để thay thế bóng đèn nóng sáng của Edison, Tesla đã không chỉ sáng tạo nên những bóng đèn huỳnh quang mà còn khám phá ra rằng có thể sử dụng một ống chân không để phát hiện các sóng vô tuyến. Mặc dù nhà phát minh thiên tài đã không tiếp tục theo đuổi khám phá này, nhưng J. A. Fleming và Lee De Forest đã tiếp bước ông để chế tạo ra những bóng đèn điện tử dùng trong kỹ thuật vô tuyến.
Với những mạch điện hoàn chỉnh để thu và phát các sóng vô tuyến, Tesla đã thử nghiệm chúng với các ăng-ten được treo vào những quả bóng lơ lửng trên nóc phòng thí nghiệm và trên nóc khách sạn ở Manhattan của ông. Nhưng thật bất hạnh, ngay khi bắt đầu có được những kết quả đầy hứa hẹn thì phòng thí nghiệm của Tesla bị cháy tan tành vào tháng 3/1895, toàn bộ những hệ thống thiết bị nghiên cứu và kết quả ghi chép đều mất sạch.
Hệ thống phát năng lượng toàn cầu
Mùa xuân năm 1899, Tesla đã đóng cửa phòng thí nghiệm xây lại của ông ở New York và lập nên một trung tâm nghiên cứu ở vùng núi Pikes Peak, thuộc Colorado. Tại đó, nhà phát minh đã tập trung giải quyết một vấn đề mà ông tin rằng nó sẽ trở thành ứng dụng quan trọng nhất của sóng điện từ: sự truyền năng lượng không cần dây dẫn đến khắp nơi trên thế giới.
Giấc mơ mới mẻ đó của Tesla đã được dựa trên cơ sở về hiện tượng cộng hưởng điện. Giống như những nhà nghiên cứu vô tuyến đi trước, ông cũng đã nhìn nhận mối quan hệ giữa máy phát và máy thu như hai yếu tố duy nhất của một hệ khép kín.
Đầu tiên, máy phát gửi sóng vô tuyến đến qua không khí đến máy thu. Sau đó, vì cả hai thiết bị đều được đặt trên mặt đất nên một dòng phản hồi sẽ đi từ máy thu qua mặt đất đến máy phát. Không giống như nhiều người chỉ chú trọng vào việc phát sóng vô tuyến qua khí quyển, Tesla lại quyết định tập trung vào những dòng điện trong lòng đất.
Ông đã suy nghĩ rằng, tại sao lại không thể có một máy phát gửi các sóng qua lòng đất đến máy thu rồi sau đó phản hồi lại qua khí quyển? Tesla đã tưởng tượng ra rằng có thể xây dựng một trạm phát để truyền năng lượng điện từ vào vỏ trái đất cho đến khi đạt tới tần số cộng hưởng điện của hành tinh. Khi đó toàn Trái Đất sẽ phát ra các xung năng lượng, và chúng có thể được thu nhận bởi các trạm thu trên khắp thế giới. Tesla đã thiết lập một số máy phát lớn ở thành phố Colorado Springs để thử nghiệm lý thuyết này và ông rất tự tin rằng chúng đã thành công trong việc phát năng lượng khắp thế giới.
Rất mãn nguyện với niềm tin rằng, năng lượng có thể được truyền qua lòng đất đến khắp nơi trên hành tinh, Tesla trở về New York vào năm 1900. Sau đó, Tesla đã viết một bài dài 60 trang cho tạp chí Thế kỷ với tiêu đề “Vấn đề tăng cường nguồn năng lượng của loài người”.
Và những nỗ lực của ông đã được đền đáp vào năm 1901, trùm tư bản J. Pierpont Morgan đã đầu tư 150.000 đô la cho đề án truyền năng lượng không dây của Tesla. Nhà phát minh đã nhanh chóng tận dụng số tiền này, không tiếc chi phí để trang bị cho một phòng thí nghiệm mới ở Wardenclyffe, bờ bắc của Long Island. Mặc dù Morgan đã từ chối cung cấp thêm tiền và Tesla cũng đã không thu được những kết quả kỹ thuật mong muốn song nhà phát minh vẫn xây dựng một tháp ăng-ten cao 57m ở Wardenclyffe. Thậm chí những mối quan hệ với nhiều nhà tài trợ ở New York cũng đã không thể giúp Tesla đảm bảo được các chi phí tài chính để hoàn thành đề án của mình, ông nhanh chóng bị rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần.
Những năm cuối đời và di sản để lại
Tesla đã hy vọng có được tiền để tiếp tục công việc ở Wardenclyffe bằng việc chuyển những nỗ lực sáng tạo của ông từ kỹ thuật điện sang kỹ thuật cơ khí. Nhận thức được rằng, các động cơ piston hơi nước của những nhà máy điện đang được thay thế bởi những tua-bin hơi nước có hiệu suất cao hơn, ông đã bắt đầu nghiên cứu một mô hình thiết kế tua-bin hoàn toàn không có cánh quạt. Cũng giống như những phát minh khác của ông, tua-bin không có cánh quạt được dựa trên một ý tưởng lớn. Vì từ trường quay có thể làm quay rotor của động cơ AC nên Tesla đã nghĩ rằng có thể dùng lực nhớt của hơi nước để tác động lên những đĩa mỏng đặt gần nhau được gắn chặt vào một cán tua-bin. Thiết kế tua-bin của Tesla đã hoạt động ở tốc độ vượt quá 10.000 vòng mỗi phút nhưng thật không may tốc độ đó quá nhanh và vượt quá sức chịu đựng của tất cả các đĩa thép mỏng.
Mặc dù Tesla đã không thể thuyết phục bất cứ ai đưa vào sản xuất mẫu tua-bin của mình nhưng ông cũng đã có được bằng phát minh về một loại đồng hồ đo tốc độ tự động dựa trên cùng một nguyên lý giống với chiếc tua-bin. Trong suốt hai chục năm sau đó, Tesla đã sống bằng tiền bản quyền cho phát minh về chiếc đồng hồ đo tốc độ của ông. Ông cũng đã viết báo cho các tạp chí phổ biến khoa học, trong đó ông thường nhắc đến tương lai của điện và vô tuyến. Tuy nhiên, càng ngày ông càng cảm thấy buồn rầu và chán nản. Cuối cùng ông trở thành một người ẩn dật, lang thang hết khách sạn này đến khách sạn khác.
Năm 1931, để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 75 của Tesla, tạp chí Time đã đăng trên trang nhất một câu chuyện kể về nhà phát minh đánh tín hiệu lên các ngôi sao với chiếc “máy Tesla” của ông – đó là một máy phát vô tuyến khổng lồ. Rất hứng thú với việc kỷ niệm này, Tesla đã quyết định tổ chức những cuộc họp báo hàng năm vào ngày sinh nhật ông. Trong những buổi họp này, Tesla đã liên tục cảnh báo về những mối nguy hiểm của cuộc chiến tranh toàn cầu và cho rằng thảm họa đó có thể tránh được bằng việc phát triển một loại siêu vũ khí có khả năng duy trì sự cân bằng của các lực lượng. Ông tuyên bố rằng, nó chính là một loại súng phát ra chùm tia có thể tập trung một lượng lớn năng lượng để chiếu vào các máy bay, tàu chiến và quân đội. Năm 1937, khi Tesla đang đi dạo quanh thành phố, ông bị một chiếc taxi đâm phải. Lần này thì nhà phát minh vĩ đại đã không bao giờ có thể hồi phục được nữa, ông mất vào ngày 8/1/1943.
Theo tiasang.com