Triều Tiên chia công dân thành 51 hạng?
Một báo cáo về nhân quyền Triều Tiên của Mỹ cho rằng chính quyền quốc gia này đã chia các công dân của mình thành 51 tầng lớp khác nhau và dùng hệ thống phân loại đó làm công cụ phân biệt đối xử về mặt xã hội và chính trị đối với các công dân này kể từ khi họ ra đời.
Theo báo cáo, người dân Triều Tiên bị chính quyền chia thành 51 hạng khác nhau. |
Theo bản báo cáo dài 131 trang của Ủy ban nhân quyền Triều Tiên, toàn bộ người Triều Tiên sẽ được phân loại theo các tiêu chí như “trung thành”, “dao động” hay “thù địch” ngay từ lúc họ sinh ra dựa theo cảm nhận về lòng trung thành của họ đối với chính quyền.
Tên của báo cáo là: “Bị đánh dấu cho cả cuộc đời” (Songbun) đặt cho hệ thống phân loại xã hội của Triều Tiên. Báo cáo này nhận định rằng chính hệ thống này là nguyên nhân chính của tình trạng lạm dụng nhân quyền ở Triều Tiên.
Nghiên cứ này do Robert Collins, một cựu quan chức Lầu Năm Góc làm tác giả và được thực hiện dựa trên các cuộc phỏng vấn với 75 người Triều Tiên đào ngũ.
Theo báo cáo này, ước tính 28% người Triều Tiên được xác định là trung thành, 45% được xác định là dao động và 27% được coi là thù địch.
Trong số 51 hạng có tầng lớp nông dân nghèo và “các gia đình yêu nước” được coi là thành phần trung thành. Còn những người được xác định là thành phần thù địch gồm những người ủng hộ Mỹ, các công chức và những người theo đạo Hồi.
“Chính sách Songbun đã đặt mỗi công dân Triều Tiên vào một trong 51 loại địa vị và giúp chính quyền họ Kim có thể ưu tiên hoặc không ưu tiên tất cả phúc lợi xã hội, nghề nghiệp, các chương trình nhà cửa và lương thực tùy theo địa vị định sẵn cho người đó”, báo cáo này nhận xét.
“Hệ thống Songbun đã dẫn đến một xã hội phân tầng mạnh và là công cụ cai trị xã hội, theo đó mỗi người Triều Tiên thực sự bị “đánh dấu cho cả cuộc đời” kể từ lúc họ sinh ra đời”. Bản báo cáo kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng phải nhận thấy hệ thống Songbun là sự vi phạm nghiêm trọng nhất quyền cơ bản của con người.
Báo cáo này cũng cho rằng Triều Tiên nên loại bỏ hệ thống này, một hệ thống gợi nhớ đến chế độ Apácthai (Apartheid), chế độ phân biệt chủng tộc khét tiếng ở Nam Phi.
Theo Infonet