9 luật cấm quảng cáo ngớ ngẩn tại Olympic London
Với London, Olympic năm nay không khác gì cỗ máy ngốn tiền mà nếu chỉ trông vào vé bán sẽ khó có thể bù đắp chi phí. Ủy ban Olympic và Paralympic London (LOCOG) rất kỳ vọng vào nguồn thu từ quảng cáo, các nhà tài trợ. Nhưng đến nay, số tiền thu về chưa đầy 2 tỷ USD, trong khi chi phí tổ chức sự kiện ngốn khoảng 15 tỷ USD.
Vì vậy mà LOCOG đang tung ra các điều kiện ưu đãi không ngờ dành cho 50 nhà tài trợ. Chẳng hạn với gói tài trợ giá trị cao nhất, 100 triệu bảng Anh (tương đương 157 triệu USD), các nhãn hàng được đảm bảo khả năng quảng cáo tối đa và cấm triệt để các công ty khác marketing tại đây.
1. Tự tạo tầm ảnh hưởng lớn
Đại diện của LOCOG cho biết: “Các quy định của chúng tôi rất rộng và vì thế, bất kỳ chiến dịch nào ăn theo Olympic đều là vi phạm. Kể cả các quảng cáo không nói trực tiếp mà chỉ gợi liên tưởng cũng sẽ bị xử lý”.
2. Vùng nhãn hiệu độc quyền
LOCOG đã quy định rất nhiều địa điểm mà tất cả quảng cáo không phải của các nhà tài trợ sẽ bị liệt vào dạng vi phạm pháp luật. Vấn đề ở đây là “vùng cấm” này quá rộng đối với diện tích các nơi tổ chức Olympic. Hơn nữa, không chỉ quảng cáo thông thường mà treo ảnh cũng bị cấm. Ngoài ra, chỉ các nhãn hiệu được cho phép mới có thể bày bán tại đây và người ta cũng chỉ chấp nhận một loại thẻ tín dụng duy nhất là Visa mà thôi.
3. Che logo trong toilet công cộng
Theo quy định, logo trên các thiết bị phòng tắm không phải của nhà tài trợ đều phải che đi. Vì vậy, các công ty này đều cảm thấy rất bất mãn vì mục đích của họ không phải là tranh giành thị phần. Hơn nữa, những sản phẩm này đều đã được lắp đặt trước Olympic từ khá lâu.
4. Tước huy chương nếu quảng cáo gián tiếp trên Internet
Theo Bộ quy định về Sử dụng Mạng xã hội, Blog và Internet trong Olympic 2012, “Vận động viên và những người liên quan không được phép quảng cáo cho bất kỳ thương hiệu nào khi post, tweet và viết blog”. Họ cũng bị cấm làm những việc như đăng một bức ảnh về môn thi lên Instagram, đăng ảnh bản thân từng được dùng làm quảng cáo mà chưa được LOCOG chấp thuận hoặc sử dụng bất kỳ biểu tượng nào của Olympic trong các bài đăng của mình. Vì vậy, nếu vận động viên cảm ơn Nike trên trang Twitter, họ có thể bị khởi kiện và tước huy chương.
5. Hợp tác với Twitter để chặn các tag chưa được cho phép
Twitter đã đồng ý hợp tác với LOCOG để chống lại các nhãn hàng ăn theo Olympic bằng các tag như drink@gatorade at #london2012. Tuần trước, hãng này cũng đã gỡ bỏ tài khoản của một nhóm chống đối có sử dụng biểu tượng Olympic sửa đổi.
6. Chống lại các quảng cáo du kích
Kể từ năm 1996 khi Nike tuyên bố không làm nhà tài trợ cho Olympic cũng chẳng sao, thì kiểu quảng cáo du kích này bắt đầu xuất hiện. LOCOG đã rất cố gắng ngăn chặn, nhưng để làm được việc này, có lẽ họ sẽ phải cấm cửa một số người hoặc cho phép họ mặc đồ lót đi xem thi đấu. Các cổ động viên Hà Lan từng bị buộc phải làm như vậy tại World Cup khi quần áo màu cam của họ được cung cấp bởi hãng bia Bavaria.
7. Buộc các đội bóng đổi tên sân nhà
Năm 2005, công ty sản xuất camera Nhật Bản Ricoh đồng ý trả hơn 10 triệu bảng (15,67 triệu USD) trong 10 năm để được đặt chữ Ricoh cạnh tên sân mới của câu lạc bộ bóng đá Anh Coventry City. Tuy nhiên, công ty này lại không phải là nhà tài trợ cho Olympic, vì vậy, tất cả logo của hãng này trong sân vận động đều bị che đi hết. Kể cả chữ Ricoh trên các biển chỉ dẫn quanh đó cũng chịu chung số phận. Và giờ đây, sân vận động này sẽ có tên City of Coventry Stadium trong suốt kỳ Olympic.
8. Gỡ bỏ các quảng cáo không hợp lệ
Cảnh sát có quyền vào bất kỳ khu vực nào mà họ tin rằng có các biển quảng cáo trái phép và “gỡ bỏ, hủy, che hoặc tẩy đi”. Người vi phạm có thể bị bắt giữ và nộp phạt tới 2.000 bảng.
9. Cấm người dân trang trí nhà cửa
Dán lại tường nhà cũng nằm trong danh sách trên nếu họ đang ở trong vùng độc quyền. Dĩ nhiên, người dân có thể mua nhà riêng, nhưng không được bán quảng cáo trên đó.
(vnexpress.net)