Cá mập chui vào ‘rọ’ ngư dân sát bờ biển
Gỡ lưới ở khu vực ngoài bãi tắm Hoàng Hậu sáng nay, ngư dân Nguyễn Văn Hải (36 tuổi) ở đường Phạm Ngũ Lão, TP Quy Nhơn, phát hiện con cá mập chui vào rập – một loại ngư cụ dùng bắt cá, tôm hàng ngày. Anh Hải phải gọi thêm hai người nữa hỗ trợ để đưa con cá mập vào bờ.
Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã đến hiện trường chụp ảnh, đo đạc, bước đầu xác định đây có thể là loài cá mập trắng, hàm răng sắc nhọn. Con cá dài gần 2 mét, nặng khoảng 80 kg, vòng bụng 115 cm, mỗi vi dài 35 cm… Theo ngư dân Hải, con cá mập này có thể mang thai vì vòng đo của bụng phình to.
Con cá mập nặng hơn 80 kg sa bẫy ngư cụ của ngư dân Nguyễn Văn Hải, TP Quy Nhơn(Bình Định) sáng nay. Ảnh: Trí Tín. |
Sau khi cá mập được đưa vào bờ, hàng trăm người dân cùng du khách đã đổ xô đến xem.
Theo thống kê của tỉnh Bình Định, từ năm 2009 đến 2011, tại vùng biển Quy Nhơn có ít nhất 10 vụ cá mập, cá nhám tấn công người tắm biển. Năm 2010, Bộ Khoa học – Công nghệ giao cho Viện Hải dương học Nha Trang nghiên cứu đề tài “Thiết kế và thử nghiệm ngư cụ phòng tránh cá nhám (cá mập) tại vùng biển Bình Định”.
Nhận định ban đầu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải Dương Học Nha Trang, vịnh Quy Nhơn là vùng đa dạng loài của liên bộ cá nhám, cá mập trắng lớn và cá mập sọc trắng. Riêng cá mập sọc trắng, thời gian qua vào gần bờ vịnh Quy Nhơn được ghi nhận có cấu trúc quần thể nhiều kích thước khác nhau và cả cá đang mang thai.
Từ năm 2009 đến nay, cá mập liên tiếp xuất hiện tại vùng biển Quy Nhơn, có con nặng đến vài trăm kg. Ảnh: Trí Tín. |
Trước tình hình cá mập liên tiếp xuất hiện ở vùng biển Quy Nhơn, các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang khuyến cáo một số giải pháp để người dân tránh bị cá mập tấn công, như: không tắm biển lúc sáng sớm hoặc chiều tối, tránh tắm ở vùng nước đục, người có vết thương chảy máu không nên tắm, không mặc trang phục hoặc đeo trang sức lấp lánh, không bơi gần đàn cá nhỏ, không bơi gần khu neo đậu tàu thuyền…
Trí Tín
(vnexpress.net)