Cựu phi công VN: Sukhoi rơi vì họ đã thỏa thuận chết
Cả phi công chiếc Sukhoi Superjet 100 và đài chỉ huy thỏa thuận bay dưới độ cao ngọn núi, khác gì thỏa thuận chết, cựu phi công Mai Trọng Tuấn nói.
“Máy bay loại Sukhoi là máy bay nổi tiếng của Nga, chất lượng, tính năng, kỹ thuật đều rất tốt, kể cả máy bay trong chiến đấu, hay bay dân dụng”, cựu phi công quân sự Mai Trọng Tuấn đánh giá.
Liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn máy bay Sukhoi Superjet 100 (của Nga) xảy ra chiều 9/5 khi đang bay trình diễn tại Indonesia, cựu phi công Mai Trọng Tuấn cho rằng, nguyên nhân tai nạn của hàng không nói trên 90% là do con người.
“Con người là nguyên nhân cuối cùng, và nguyên nhân chính gây ra tai nạn thảm khốc. Điều kiện thời tiết, kỹ thuật… thì đều có hướng xử lý, nhưng con người xử lý sai thì gây ra tai nạn, thường là như thế”, ông Tuấn giải thích thêm.
Thông thường máy bay có thể bay độ cao rất thấp, nhưng quy định của ngành hàng không thì trong khu vực bay, khu vực biểu diễn, hành lang bay của máy bay phải bay ở độ cao tối thiểu trên chướng ngại vật là 300m.
Chiếc Sukhoi Superjet 100 thực hiện chuyến bay cuối cùng trước khi gặp nạn. Ảnh: AFP |
Nhưng với trường hợp tai nạn của Sukhoi Superjet 100 tại Indonesia, ông Tuấn cho rằng, theo thông tin trên mạng Internet người lái đã xin hạ từ độ cao 3.000m xuống 2.000m, trong khi đỉnh nút cao nhất ở đây có độ cao hơn 2.200m, đấy là cái vô lý.
“Người lái xin hạ như vậy mà đài chỉ huy cũng cho phép, đáng lẽ người chỉ huy phải ra lệnh khu vực đấy không được hạ độ cao xuống dưới 2.000m, phải giữ độ cao tối thiểu là 2.500m hoặc 2.800m.
Như thế cả anh lái và anh chỉ huy đều thỏa thuận với nhau bay dưới độ cao của ngọn núi, nên tai nạn là điều tất yếu xảy ra”, ông Tuấn khẳng định.
Trả lời trên tờ Khám phá, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân cũng cho rằng, nếu thông tin về việc phi công xin hạ độ cao xuống 1.800m là đúng, có thể thấy phi công đã vi phạm an toàn về độ cao.
Đối với từng loại địa hình luôn phải có quy định nghiêm ngặt về độ cao tối thiểu cho phép.
Trung tướng Tuân phân tích, trong chuyến bay, nếu nhận thấy cần hạ độ cao, phi công phải phát tín hiệu xin hạ, nhận được sự đồng ý từ phía điều hành bay mới được hạ.
Chỉ trừ trường hợp gặp sự cố quá bất ngờ thì phi công buộc phải phản ứng ngay tức khắc. Thông tin báo có nêu chi tiết cơ trưởng chuyến bay xin hạ độ cao, nhưng không thấy nói đến việc bộ phận điều hành có đồng ý hay không.
Về vấn đề có hay không khó khăn trong quá trình hãng Sukhoi chuyển từ sản xuất máy bay quân sự sang dân sự, Trung tướng Tuân khẳng định: “Theo tôi là không, bởi yếu tố kỹ thuật sản xuất máy bay đều phải tuân thủ cơ chế hoạt động theo quy chuẩn”.
“Sau vụ tai nạn này, chắc chắn uy tín của hãng Sukhoi sẽ bị ảnh hưởng hưởng nặng nề”, Trung tướng Phạm Tuân khẳng định.
Chúng ta cũng từng biết đến những thảm kịch tương tự. Đó là Tu- 144, máy bay siêu thanh đầu tiên cũng là cuối cùng của Liên Xô gặp nạn trong khi trình diễn tại hội chợ hàng không Paris năm 1973.
Loại máy bay này sau đó chỉ được sử dụng chở hàng hóa trong nước một thời gian ngắn rồi chấm dứt hoạt động. Hay trường hợp máy bay Concorde của Pháp gặp tai nạn rồi hãng này phải đóng cửa.
Theo đại diện các hãng hàng không giá rẻ như Jetstar Pacific, VietJet Air, Air Mekong, các hãng này đều chưa có kế hoạch gì với máy bay Sukhoi Superjet-100.
Riêng chỉ có Vietnam Airlines trước đây có xem xét mua, tuy nhiên sau vụ việc này chưa biết hãng sẽ lựa chọn thế nào.
Theo kế hoạch bay trình diễn tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sukhoi Superjet-100 sẽ thực hiện một chuyến bay vào ngày 14/5 tới để giới thiệu với các khách hàng tiềm năng của Việt Nam. Giấy phép chuyến bay trình diễn này được Cục Hàng không VN cấp từ đầu tháng 4/2012. Tuy nhiên, một ngày sau vụ tai nạn của chiếc Sukhoi Superjet-100 (của Nga) ở Indonesia vào chiều 9/4, nhà sản xuất máy bay Sukhoi đã có lời đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho hủy chuyến bay trình diễn dự kiến sẽ diễn ra tại sân bay Nội Bài vào ngày 14/5 tới. |
(Theo Vef/ĐVO)
(bee.net.vn)