Hé lộ thủ thuật né thuế hàng tỷ USD của Apple
Bằng cách chuyển lợi nhuận lòng vòng về các công ty con tại những nơi có thuế suất thuế thu nhập thấp, hàng năm Apple đã né được hàng tỷ USD tiền thuế. Phóng sự điều tra của tờ New York Time đang khiến dư luận Mỹ xôn xao.
Apple xuất sắc trong việc né thuế không kém việc tạo ra sản phẩm
Là tập đoàn công nghệ có lợi nhuận cao nhất thế giới, trong năm vừa qua mặc dù thu về tới 34,2 tỷ USD nhưng “gã khổng lồ” Apple chỉ phải nộp tổng cộng 3,3 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế này tương đương với tỷ lệ 9,8%, thấp hơn rất nhiều so với thuế suất trung bình 24% các doanh nghiệp khác của Mỹ phải chịu.
Vì đâu có sự chênh lệch này? Các phóng viên Charles Duhigg và David Kocieniewski của tờ New York Time vừa vén bức màn bí mật giúp người đọc hiểu sâu hơn về thủ thuật thuật “né” thuế của Apple.
Theo đó, mặc dù trên lý thuyết trụ sở chính của họ được đặt tại Cupertino, California nơi có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 8,84%, nhưng hầu hết mọi lợi nhuận của Apple tại Mỹ đều được chuyển về cho một công ty con có tên Braeburn Capital ở Reno, bang Nevada. Tại bang này, mức thuế suất họ phải chịu là 0% và vậy là toàn bộ thu nhập từ California và 20 bang khác của hãng không phải chịu hàng triệu USD thuế thu nhập mỗi năm
Việc mở văn phòng tại Reno mới chỉ là một trong số rất nhiều thủ thuật hợp pháp mà công ty này đang sử dụng để tránh hàng tỷ USD thuế thu nhập mà họ phải chịu mỗi năm trên toàn thế giới. Tương tự như tại Nevada, Apple đã mở nhiều văn phòng tại những “thiên đường” về thuế như Ai-len, Hà Lan, Luxembourg, British Virgin Islands. Những văn phòng này đôi khi chỉ là một hòm thư hoặc thậm chí chỉ có trên giấy tờ, không hề có nhân viên hay số điện thoại.
Theo New York Time, sở dĩ Apple có thể làm như trên là do rất nhiều trong số hàng hóa họ bán không phải ở dạng vật chất hữu hình mà chỉ là bản quyền các phần mềm, các bài hát được người dùng mua trực tuyến…Nếu như chủ các tiệm tạp hóa hoặc salon ô tô phải nộp thuế cho chính quyền nơi họ đặt cửa hàng, thì Apple chỉ phải đóng thuế cho nơi nào họ muốn đơn giản bởi họ có thể khai bán hàng ở bất kỳ đâu. Và tất nhiên họ sẽ chọn những nơi có mức thuế suất thấp nhất.
Theo tiết lộ của một cựu quan chức từng giúp “trái táo” xây dựng chiến lược thuế, công ty này có rất nhiều thủ thuật để tận dụng tối đa các lỗ hổng trong chính sách. Một trong những lỗ hổng đó là việc thuế được tính cho các đơn vị thực sự sở hữu hàng tồn kho.
Khi nhân viên của mình bán hàng ở những quốc gia có mức thuế suất cao, ví dụ như Đức, Apple sẽ có một hình thức ủy quyền để người đó được xem như chỉ đại diện bán hàng cho các công ty con đặt tại những nơi có thuế suất thấp, chẳng hạn như Singapore, thay vì là người sở hữu mặt hàng tại Đức. Do đó thuế suất mà Apple phải chịu khi bán hàng tại Đức lại là thuế suất của Singapore.
Braeburn Capital – một trong rất nhiều công ty con của Apple
Hoặc như tại Luxembourg, Apple mở một công ty con có tên iTunes Sarl. Văn phòng này chỉ có vài nhân viên và có lẽ người ta cũng sẽ không biết đến nó nếu không có cái hòm thư bên ngoài đề “ITUNES SARL.” Luxembourg chỉ có dân số khoảng nửa triệu người nên lượng khách hàng của Apple ở đây không hề đáng kể. Vậy nhưng doanh thu năm vừa qua của văn phòng này là hơn 1 tỷ USD, chiếm 20% doanh số của dịch vụ iTunes.
Mỗi khi khách hàng của Apple từ khắp châu Âu, châu Phi, Trung Đông…trả tiền để tải một bài hát, một ứng dụng hoặc xem các chương trình trực tuyến của Apple, doanh thu sẽ được ghi nhận cho iTunes Sarl. Từ lâu chính quyền Luxembourg đã cam kết với các doanh nghiệp về một mức thuế suất rất thấp nếu họ chuyển lợi nhuận về đây.
“Chúng tôi mở văn phòng ở Luxembourg bởi họ có chính sách thuế rất hấp dẫn”, Robert Hatta, người từng chịu trách nhiệm marketing và bán hàng cho mảng iTunes của Apple tại thị trường châu Âu cho đến năm 2007 tiết lộ. “Các nội dung được tải không giống như sắt thép hay máy cày bởi bạn không thể sờ thấy nó. Thế nên cho dù máy tính của khách hàng ở Pháp hay Anh cũng không ảnh hưởng gì. Nếu bạn mua chương trình đó từ Luxembourg thì đó là giao dịch liên quan đến Luxembourg”.
Theo ông Tim Jenkins, người từng là giám đốc tài chính khu vực châu Âu của Apple cho đến năm 1994 thì từ cuối những năm 1980, Apple là một trong những công ty tiên phong trong việc triển khai chính sách thuế được biết đến dưới cái tên “Nhân đôi Ai-len”. Chính sách này cho phép công ty chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế khắp thế giới. Theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Martin A. Sullivan, Bộ Tài chính Mỹ, nếu không sử dụng chiến thuật này, mức thuế thu nhập liên bang mà Apple phải chịu năm vừa qua có thể tăng thêm 2,4 tỷ USD.
Để triển khai chiến thuật này, “trái táo” tạo ra 2 công ty con ở Ai-len, hiện có tên là Apple Operations International và Apple Sales International đồng thời xây một nhà máy tại Cork, thành phố lớn thứ hai của Ai-len. Theo một cựu quan chức của Apple, do mong muốn người dân có việc làm, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ưu đãi thuế cho công ty.
Nhưng ưu đãi lớn hơn cho Apple đó là thỏa thuận giúp họ được phép chuyển các khoản tiền bản quyền các sản phẩm phát triển tại California sang Ai-len. Đây là một thao tác rất đơn giản trong nội bộ Apple nhưng kết quả nó đem lại đó là một khoản lợi nhuận khổng lồ bởi mức thuế suất tại Ai-len chỉ xấp xỉ 12,5%, thay vì mức 35% tại Mỹ. Chính vì vậy từ năm 2004, Ai-len đã là nơi đóng góp hơn một phần ba doanh thu toàn cầu của Apple.
Không chỉ có vậy, công ty con thứ hai tại Ai-len còn giúp lợi nhuận của Apple có thể chuyển tới các công ty được miễn thuế tại khu vực Caribbe. Và cuối cùng, do các thỏa ước giữa Ai-len và các quốc gia EU, một phần lợi nhuận của Apple có thể được chuyển miễn thuế sang Hà Lan, khiến cho các khoản lợi nhuận này không thể bị phát hiện bởi những người ngoài lẫn các cơ quan thuế.
(xaluan.com)