Điểm mặt hiện tượng thiên văn đẹp trong mùa hè
Có nhiều hiện tượng thiên văn đáng được chờ xem trong mùa hè năm nay như nhật thực hình khuyên xảy ra vào ngày 20/5, sao Kim đi qua đĩa Mặt Trời vào ngày 5 – 6/6. Ngoài ra, còn có trận mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) xảy ra vào 12 – 13/8 với số lượng 60 vệt/h…
117 năm sau mới được chiêm ngưỡng lại
Tháng nhuận (2 tháng 4) năm nay không tác động đến sự xuất hiện của các hiện tượng thiên văn vì trong thiên văn người ta tính bằng lịch dương trong khi năm nhuận tính bằng lịch âm. |
Ông Nguyễn Đức Phường, Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam cho biết: Sự kiện đáng chú ý nhất của mùa hè năm nay nói riêng và cả năm 2012 nói chung chính là sự kiện sao Kim đi qua đĩa Mặt Trời vào ngày 5 – 6/6. Lý do đáng được mong chờ là vì hiện tượng này không thường xuyên xảy ra. Lần gần đây nhất, hiện tượng này xảy ra vào năm 2004. Và lần tiếp theo, để quan sát được hiện tượng tương tự lần tới chúng ta phải chờ đến 117 năm sau.
Những cư dân ở Đông Á, vùng phía Đông Úc và Alaska sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn phần hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Việt Nam cũng thuộc khu vực có thể quan sát hiện tượng này một cách trọn vẹn, cả lúc sao Kim đi vào, lẫn đi ra khỏi Mặt Trời. Ngoài ra, những nơi như châu Âu, Tây Á, Đông Phi sẽ quan sát được một phần diễn biến lúc Mặt Trời mọc. Trong khi đó, vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Tây Nam Mỹ cũng sẽ quan sát được một phần diễn biến của hiện tượng trước khi mặt trời lặn.
Khi hiện tượng xảy ra, quan sát qua kính thiên văn hoặc ống nhòm có độ phóng đại lớn chúng ta sẽ thấy sao Kim hiện ra như một chấm tròn nhỏ lướt qua đĩa Mặt Trời.
Tuy nhiên, khi quan sát hiện tượng này, cần lưu ý không được nhìn trực tiếp lên Mặt Trời mà phải sử dụng các kính lọc Mặt Trời chuyên dụng. Lý do là bởi vì cường độ ánh sáng của Mặt Trời rất lớn nên nếu nhìn trực tiếp, dù trong một vài giây, sẽ làm tổn hại đến giác mạc, trường hợp nặng có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, do đường kính góc của sao Kim (hay kích thước biểu kiến) rất nhỏ nên chúng ta phải sử dụng kính thiên văn hoặc ống nhòm sau khi đã lắp kính lọc Mặt Trời. Ngoài ra, cần lưu ý thêm một điểm, sự kiện này chỉ có thể quan sát vào ban ngày, khi Mặt Trời chiếu sáng.
Sao Kim đi qua đĩa Mặt Trời xảy ra vào ngày 8/6/2004 (chụp tại đài thiên văn Paris). Ảnh: GS Nguyễn Quang Riệu – Nguyễn Đức Phường. |
Lớn và đẹp nhất trong năm
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, trong các tháng mùa hè, điều thú vị là tháng nào cũng có mưa sao băng. Cụ thể, mưa sao băng Aquarius (Bảo Bình Bắc) xảy ra vào ngày 5 – 6/5 với mật độ khoảng 20 vệt/h, mưa sao băng Aquarius (Bảo Bình Nam) xảy ra vào ngày 28 – 29/7 có mật độ khoảng 20 vệt/h. Đặc biệt, phải kể đến mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) xảy ra vào 12 – 13/8. Đây được coi là trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm. Điều đáng nói nhất là thời điểm mưa sao băng Anh Tiên xuất hiện năm nay lại không có trăng. Vì thế, chỉ cần thời tiết tốt, người yêu thiên văn rất có cơ hội chiêm ngưỡng các vệt mưa sao băng nhiều màu sắc.
Một sự kiện đáng chú ý nữa trong mùa hè năm nay là sự xuất hiện của nhật thực hình khuyên xảy ra vào ngày 20/5. Tiếc là Việt Nam chúng ta chỉ quan sát được nhật thực một phần. Ngoài ra, ngày 4/6, người yêu thiên văn còn có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực một phần. Cư dân sống ở khu vực châu Á, Úc, Thái Bình Dương và châu Mỹ sẽ quan sát được hiện tượng này.
Trong các tháng 6, 7, 8, người yêu thiên văn còn dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dải ngân hà. Từ khoảng 22 – 23h, hãy hướng mắt lên bầu trời sẽ nhìn thấy một dải sáng mờ đục vắt ngang qua bầu trời chạy thẳng từ chân trời phía Đông sang phía Tây. Đặc biệt, nếu quan sát bằng ống nhòm, dải ngân hà sẽ hiện ra là những chùm sáng chi chít bởi các vì sao.
Có một điểm đặc biệt là năm nay các hành tinh có khoảng cách rất gần Trái Đất, ví dụ sao Hỏa gần Trái Đất vào ngày 3/3, sao Thổ gần Trái Đất nhất vào ngày 15/4, sao Hải Vương gần Trái Đất vào ngày 24/8… Nhiều người liên tưởng hiện tượng này tới giả thiết 2012 là năm tận thế. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh sự liên tưởng này thiếu tính khoa học. Các hành tinh tiến gần tới Trái Đất không gây ra bất kỳ tác động xấu nào cho Trái Đất. Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn |
Sơn Hà
(bee.net.vn)