Vệ tinh mất tích của châu Âu lộ diện
Hình minh họa vệ tinh Envisat trên quỹ đạo trái đất. Ảnh: ESA. |
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo Pleiades, một vệ tinh quan sát địa cầu của Pháp, chụp được ảnh Envisat khi hai vật thể cách nhau trong phạm vi khoảng 100 km vào ngày 15/4. Những bức ảnh cho thấy Envisat, có kích thước tương đương xe buýt và khối lượng 8 tấn, vẫn còn nguyên vẹn và tấm pin mặt trời của nó đã mở ra, Space đưa tin.
Giới chức ESA cho rằng nếu Envisat vẫn bay trên quỹ đạo trái đất và tấm pin mặt trời nhận đủ ánh sáng để sản xuất điện cho các hệ thống điều khiển bên trong vệ tinh thì rất có thể Envisat đang ở trong chế độ an toàn (safe mode). Nếu vệ tinh hoạt động ở chế độ an toàn, các kỹ sư sẽ có cơ hội phục hồi hoạt động của nó.
Envisat được phóng lên quỹ đạo vào tháng 3/2002 cùng 10 thiết bị để theo dõi các đại dương, băng, đất và không khí của địa cầu. Được thiết kế để tồn tại trong 5 năm, song Envisat đã hoạt động hơn 10 năm. Nó là vệ tinh thu thập dữ liệu hình ảnh lớn nhất thế giới phục vụ các lĩnh vực dân sự.
Dữ liệu của Envisat đã được sử dụng trong 4.000 dự án khoa học tại 70 nước, bao gồm nhiều nghiên cứu đáng chú ý về biến đổi khí hậu. Nó từng chụp ảnh vụ tràn dầu trên vịnh Mexico vào năm 2010. Các nhà khoa học cũng sử dụng dữ liệu về các dòng hải lưu trên đại dương của Envisat để dự doán mức độ phát tán chất phóng xạ trong Thái Bình Dương do cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011. Envisat là công cụ quan trọng để các nước đối phó nạn đánh bắt cá trái phép.
Minh Long
(vnexpress.net)