Nokia chính thức vào Việt Nam
Hôm nay (23-4), Nokia chính thức khởi công nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp – đô thị VSIP Bắc Ninh và ghi tên Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của mình.
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 11/2011, với tổng vốn đăng ký 302 triệu USD và trên thực tế, cũng đã động thổ xây dựng nhà máy từ đầu tháng 2/2012, song những thông tin liên quan tới Dự án Nhà máy Sản xuất điện thoại di động (ĐTDĐ) Nokia tại Bắc Ninh gần như được giữ bí mật đến phút cuối cùng.
Càng đáng “khoe” hơn, khi đây được xem là một trong những dự án thuộc diện được chờ đợi của Việt Nam, không chỉ vì vốn đầu tư lớn, mà còn vì đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Nhiều thông tin cho rằng, chuyện Nokia giữ bí mật thông tin có thể liên quan tới việc tập đoàn sản xuất ĐTDĐ hàng đầu thế giới này, vào năm ngoái, đã đóng cửa một số nhà máy sản xuất ĐTDĐ và sa thải hàng ngàn công nhân. Nokia có vẻ cũng đang gặp khó khăn, khi thị phần, đặc biệt là dòng điện thoại thông minh, đang bị thu hẹp dần. Thậm chí, quý I năm nay, tập đoàn sản xuất ĐTDĐ này của Phần Lan lỗ khoảng 1,34 tỷ euro. Việc tập đoàn này lựa chọn Việt Nam là điểm đến được cho là một sự chuyển hướng sản xuất sang khu vực châu Á, để tận dụng nhân công giá rẻ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là, với Việt Nam, đây là một dự án có ý nghĩa. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các tập đoàn hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã góp phần khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam. Thêm vào đó, khi được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn này, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ được nâng cao.
“Nhà máy tại Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu của Nokia và hoạt động đầu tư của Nokia tại Việt Nam sẽ đóng góp cho tăng trưởng, cũng như chiến lược phát triển của Nokia trên toàn cầu”, chính ông Juha Putkiranta, Phó chủ tịch cấp cao của Nokia, đã phát biểu như vậy khi cùng với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư tại Việt Nam vào đầu năm ngoái.
Vào thời điểm đó (tháng 3/2011), Nokia kỳ vọng sẽ nhận được giấy chứng nhận đầu tư trong quý II/2011 để có thể bắt đầu khởi công xây dựng trong nửa cuối năm 2011. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến, khoảng tháng 3 – tháng 4/2012, sản phẩm ĐTDĐ đầu tiên mang nhãn hiệu Nokia sẽ chính thức được xuất xưởng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dự án này cuối cùng vẫn chậm nhịp, nên tới hôm nay mới có thể khởi công và khả năng, đến năm 2014, mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Theo kế hoạch, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần (dự kiến, tăng từ mức 80% của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 92% trong năm kế tiếp và lên tới 95% một năm sau đó, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định). Công suất của nhà máy khi đó có thể đạt 45 triệu sản phẩm/quý, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 nhân công.
Những vướng mắc xung quanh chuyện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư được cho là một trong những lý do khá cơ bản để dự án của Nokia chậm thêm một nhịp. Ban đầu, khoảng tháng 6/2011, chủ trương của Chính phủ là Nokia sẽ chỉ được hưởng ưu đãi là một doanh nghiệp chế xuất. Theo quy định hiện hành, ĐTDĐ không được xếp vào danh mục công nghệ cao, nên Nokia sẽ không thể được hưởng ưu đãi như đối với một doanh nghiệp công nghệ cao như đề xuất của họ.
Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, đánh giá cao tầm quan trọng của dự án, cuối cùng, Chính phủ đã cho phép Nokia được hưởng các ưu đãi như một doanh nghiệp công nghệ cao. Tất nhiên, kèm theo quyền lợi này, Nokia cũng phải cam kết một loạt vấn đề liên quan tới tỷ lệ doanh thu, số lượng lao động dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), lương nhân công…
Như một mối “nhân duyên”, cuối cùng thì cả hai “đại gia” sản xuất ĐTDĐ hàng đầu Việt Nam cùng chọn Bắc Ninh là điểm đến. Năm 2009, Samsung đã khánh thành nhà máy sản xuất ĐTDĐ, vốn đầu tư ban đầu 670 triệu USD, ở Khu công nghiệp Yên Phong. Sau một thời gian hoạt động thành công, với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011 khoảng 5,8 tỷ USD, Samsung đã quyết định tăng vốn đầu tư lên 1,5 tỷ USD trong thời gian tới.
Khi Samsung vào Việt Nam, dự án này được đánh giá là có tác động lan tỏa lớn tới đầu tư của Việt Nam, bởi sau đó, hàng loạt nhà đầu tư vệ tinh của Samsung đã tìm đến. Lần này cũng vậy, những kỳ vọng tương tự cũng được đặt ra với Nokia. Kỳ vọng càng lớn hơn, khi cả hai nhà sản xuất ĐTDĐ hàng đầu thế giới cùng đứng chân tại một điểm, thì càng tạo thêm lực hút kéo các nhà đầu tư vệ tinh tới.