Bạn thuộc kiểu nhân viên nào trong 14 tính cách điển hình dưới đây?
Ông chủ nào cũng cần hiểu rõ tính cách của nhân viên để sử dụng lao động một cách hiệu quả nhất. Công sở là nơi chứa đựng vô vàn tính cách khác nhau. Dưới đây là 14 kiểu tính cách phổ biến.
1. Cầu toàn
Chắc hẳn không một ai muốn trở thành một người cầu toàn, bởi họ sẽ dễ bị người khác xa lánh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực ngành nghề, hay môi trường làm việc nào cũng đều có người cầu toàn. Chắc chắn là công ty bạn cũng có kiểu người này.
Bạn sẽ dễ dàng xác định được ai thuộc típ người này bởi họ có xu hướng “ép buộc” người khác. Người cầu toàn thường là nhà quản lý, hay ông chủ. Họ luôn giám sát nhất cử nhất cử nhất động của nhân viên và luôn không yên tâm khi giao việc cho cấp dưới.
2. Ôm đồm
Giống như một người luôn làm việc tốt hơn cả kỳ vọng, người ôm đồm không thể nói “KHÔNG”. Họ luôn làm việc đến muộn, là người chủ trì, tình nguyện mang đồ ăn đến các cuộc họp, tổ chức tiệc ở cơ quan. Người ôm đồm hay “nhúng tay” vào mọi việc, sẵn sàng làm tất cả mọi việc dù là việc nhỏ nhất, hay những việc mà không ai muốn làm.
Tuy nhiên, tính cách này cũng gây ra một số vấn đề. Họ có thể khiến đồng nghiệp mất đi cơ hội mới. Những người có tính ôm đồm thường là người chăm chỉ, chân thành, nhưng họ dễ thao túng và kiểm soát quá mức người khác. Họ là kiểu người rất khó lường, không thể nói trước điều gì về họ.
3. Ngồi lê đôi mách
Tính cách này cũng cần phải giải thích đôi chút. Họ có thể từng là người luôn “buôn dưa lê” ở sân chơi khi bạn còn nhỏ, cũng như ở trung học và đại học. Giờ đây, họ lại đang bàn tán về cuộc sống ở sở làm của bạn. Hãy tránh xa những người này. Rất khó để bạn có thể dứt ra khỏi câu chuyện nếu bạn bị cuốn vào, vậy nên, hãy tránh xa họ ra.
4. Người kết nối
Người kết nối có thể giúp cải biến cuộc sống của bạn theo hướng tốt. Họ là những đồng nghiệp hiểu biết và có khả năng kết nối mọi người để xây dựng một đội ngũ làm việc hiệu quả. Họ là cầu nối giữa người tìm việc với nhà tuyển dụng. Một khi bạn thấy một người kết nối, hãy đối xử tốt với họ, và biết cảm ơn những gì mà họ đã mang đến cho bạn.
Nếu bạn là một người có tính hướng nội, bạn có thể thấy rằng những người kết nối này rất đáng sợ. Hãy nhớ rằng kiểu người kết nối có xu hướng yêu quý người khác, hoặc chí ít họ cũng biết tôn trọng cá tính riêng của mỗi người.
5. Xa lánh cộng đồng
Cũng không thể khẳng định chắc chắn rằng người có xu hướng xa lánh cộng đồng là người cô đơn. Có thể họ chỉ là không thích đám đông, bởi vậy, họ sẽ tìm một nơi chỉ có mình họ để thư giãn. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra kiểu người này bởi sự vắng mắt của họ. Họ sẽ không tham dự các bữa tiệc của cơ quan, không lảng vảng trong phòng ăn trưa. Bạn sẽ không tìm thấy họ đâu.
6. Biết tuốt
Họ có câu trả lời cho mọi vấn đề, giải đáp mọi thắc mắc. Những người này có thể nhìn ra cơ hội trong mọi tình huống. Họ luôn lên tiếng (hoặc không bao giờ im lặng) trong các buổi họp, hay các sự kiện xã hội. Họ đưa ra lời khuyên nhưng buồn thay không phải lúc nào nó cũng có cơ sở xác đáng, tệ hại hơn cả là họ sẽ không chấp nhận câu trả lời “không, cảm ơn!”. Điều đáng nói là mặc dù họ có vẻ có “biết tuốt”, nhưng nhiều khi họ chỉ là “thùng rỗng kêu to”.
7. Người lười biếng
Người lười biếng có xu hướng đẩy việc cho người ôm đồm hay thậm chí là cả những người cầu toàn. Đây là lý do các bạn thấy những đồng nghiệp lười biếng này vẫn trụ được ở công ty dù họ gần như không làm gì cả.
Họ có thể thường xuyên đi qua bàn làm việc của bạn, dừng lại buôn chuyện, tìm hiểu xem đồ ăn trưa của bạn là gì, hoặc có thể họ chỉ đứng ở đó và nhìn chằm chằm vào bạn. Mặc dù vậy, những người này vẫn có giá trị nhất định. Nếu văn phòng bạn toàn những người ôm đồm, thì một nhân viên trung bình sẽ có thể bị xếp vào “người lười biếng”.
8. Mồm năm miệng mười
Cũng giống như những nhân vật “biết tuốt”, người nói hoài không chán này rất biết cách phá bĩnh đồng nghiệp, như gây ồn ào, làm phân tâm đồng nghiệp. Người “mồm năm miệng mười” nói giỏi hơn làm. Điều đó khiến người ta không khỏi băn khoăn rằng kiểu người này sẽ làm gì nếu họ nghỉ việc. Ai sẽ là người lắng nghe họ?
Tuy nhiên, nếu bạn đang gặp khó khăn khi tương tác với đám đông, thì người nói nhiều có thể là “phao cứu sinh” của bạn. Hãy lặng lẽ đi cùng họ trong bữa tiệc, và mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió.
9. Thái quá
Có người gọi kiểu người này là “nữ hoàng bi kịch”, gọi vậy có vẻ như xúc phạm họ. Thực sự mà nói, với họ mọi chuyện đều rất to tát. Mỗi thời hạn, mỗi sự thay đổi trong lương lai, đều rất dễ khiến những người “thái quá” này bị căng thẳng. Họ đã và đang cố gắng hết sức rồi!
10. Ung dung
Bất kỳ ai trong văn phòng đều có thể giao du được với kiểu người này. Mỗi khi đến công ty, họ liền có thể gác đời sống riêng tư sang một bên để dốc sức cho công việc. Những người này họ thường kiểm soát được căng thẳng. Tuy nhiên, trong mắt những người “nghiện” làm việc, thì người “ung dung” này dễ bị liệt vào dạng nhân viên lười biếng, nhưng họ không bận tâm… bởi họ là những người “ung dung” mà.
11. Vai hề
Những “vai hề” nơi công sở này có thể bị ghét hoặc được yêu quý. Quả thực rất nan giải để có thể khẳng định vai trò của họ ở cơ quan là “tốt” hay “xấu”.
Họ có thế mạnh giúp “phá tan không khí băng giá” trong những tình huống căng thẳng, khuấy động khiến những cuộc họp buồn tẻ trở nên náo nhiệt, giúp đồng nghiệp của họ vui vẻ vào mỗi ngày thứ Hai kinh hoàng. Tuy nhiên, cũng có lúc người khác lại thấy họ chẳng hề thú vị, bởi lẽ, những “chú hề” này không biết lúc nào nên dừng trêu đùa, không biết lúc nào cần nghiêm túc, và đôi khí họ còn khiến mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn.
12. Lãnh đạo chân chính
Người lãnh đạo chân chính là người luôn biết lắng nghe, đáng tin tưởng, được nhân viên khâm phục và tôn trọng. Họ có thể không phải lãnh đạo cấp cao của công ty, nhưng họ rất có trách nhiệm và nghiêm túc trong công việc. Tự bản thân họ toát ra những giá trị cốt lõi của công ty chứ không hề giả tạo. Họ truyền cảm hứng cho người khác bằng chính sự nhiệt tình phối hợp cùng vì chỉnh thể. Họ là những người tinh thông về mặt xã hội nhưng không hề thái quá như những người hay ngồi lê đôi mách và buôn dưa lê. Họ luôn cân nhắc đến sự hài hòa.
13. Phong độ ổn định
Người phong độ ổn định này có thể không mấy thú vị, họ thường là một nhân viên trung bình. Họ là những nhân viên chủ chốt của công ty, và lãnh đạo có thể tin tưởng rằng họ sẽ luôn vạch ra và hoàn thành xuất sắc công việc như thường lệ. Họ không phải là những nhà lãnh đạo thực thụ, nhưng họ cũng không phải là những người ăn không ngồi rồi.
14. Thiên tài
Hãy suy xét xem, những nhân viên có tố chất như Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Warren Buffett, Oprah Winfrey – là những người nhìn xa trông rộng. Nhiều người trong số họ đang “ẩn mình” trong công ty, và âm thầm làm việc. Họ thường có những ý tưởng lớn và họ cần một đối tác làm ăn cực kỳ có năng lực để biến những ý tưởng của họ thành hiện thực.
*****
Nội tâm chúng ta luôn tồn tại hai mặt đối lập, đều có điểm mạnh và điểm yếu, nếu biết kết hợp sự độc đáo của những cá tính đó sẽ giúp chúng ta trở nên khác biệt.
Qua việc xác định tính cách cá nhân, điểm mạnh và điểm yếu của mình, chúng ta có thể cải thiện sự tương tác với cộng đồng. Một khi chúng ta có thể tự ý thức và hiểu được bản thân và đồng nghiệp, ta sẽ dễ dàng phối hợp làm việc với người khác hơn.
Dù ở văn phòng hay bất kỳ môi trường làm việc nào, thì việc nhân viên cần phải chú trọng trao đổi thông tin, làm việc theo nhóm, trung thành và có tác phong chuyên nghiệp. Mỗi cá nhân sẽ đạt được mục tiêu của bản thân nếu biết phát huy chúng.
Theo Trithucvn.net