Sự sống ‘có thể tồn tại trên hàng tỷ hành tinh’
Hình minh họa những hành tinh xoay quanh một ngôi sao lùn đỏ. Ảnh: Science Daily. |
“Siêu trái đất” là những hành tinh đá xoay quanh ngôi sao riêng trong “vùng Goldilocks” – nơi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, mà chỉ ở mức vừa phải để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Sự tồn tại của nước ở dạng lỏng là điều kiện để sự sống phát sinh và phát triển.
AFP đưa tin một nhóm nghiên cứu của Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) sử dụng HARPS – một kính thiên văn lớn có đường kính tới 3,6 m và được đặt tại sa mạc Atacama của Chile – để theo dõi 102 sao lùn đỏ và những hành tinh xoay quanh chúng. Những ngôi sao này nằm trong “vùng Goldilocks” và thuộc dải Ngân Hà.
Trong quá trình theo dõi, các chuyên gia phát hiện 9 hành tinh đá giống như địa cầu.
“Kết quả quan sát của chúng tôi cho thấy khoảng 40% sao lùn đỏ trong toàn vũ trụ có hành tinh nằm trong vùng mà nước có thể tồn tại ở đạng lỏng trên bề mặt”, Xavier Bonfils, một nhà thiên văn Pháp và là thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Sao lùn đỏ là dạng thiên thể khá phổ biến trong vũ trụ. Khoảng 160 tỷ sao lùn đỏ tồn tại trong dải Ngân Hà.
“Con số đó khiến chúng tôi tin rằng chỉ riêng dải Ngân Hà đã chứa vài chục tỷ hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống”, Bonfils nói.
Theo tính toán của ESO, khoảng 100 “siêu trái đất” đang xoay quanh những ngôi sao lùn đỏ cách địa cầu dưới 30 năm ánh sáng.
Đối với vũ trụ, khoảng cách đó chỉ tương đương khoảng cách mà một con bọ chét đạt được trong một cú nhảy trên địa cầu. Nhưng với công nghệ hiện nay, nhân loại chưa thể nghĩ tới việc thám hiểm những “siêu trái đất”.
Minh Long
(vnexpress.net)