Chủ tịch Ngân hàng Thế giới được bầu như thế nào?
Trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) năm nay, ngoài ứng cử viên người Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử có hai gương mặt đến từ các quốc gia khác gồm một người Nigeria và một người Columbia.
Mỹ đề cử bác sỹ gốc Hàn làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Đại học Darthmouth, là ứng cử viên của nước này cho ghế Chủ tịch WB.
Tuy nhiên, với sức mạnh lá phiếu của Mỹ – quốc gia đóng góp ngân sách nhiều nhất cho WB – thì vị trí lãnh đạo định chế này vẫn rất khó trật khỏi tay họ, như truyền thống bao năm qua.
Thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Đại học Darthmouth, là ứng cử viên của nước này cho ghế Chủ tịch WB. Ông Kim, người Mỹ gốc Hàn, là một chuyên gia y tế cộng đồng, từng giữ chức Giám đốc phụ trách các vấn đề HIV/AIDS tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đối thủ của ông Kim trong cuộc đua tới chức Chủ tịch WB là bà Ngozi Okonjo-Iweala, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nigeria và ông Jose Antonio Ocampo, một giáo sư kinh tế người Columbia.
Theo dự kiến, việc bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch WB sẽ diễn ra trước khi cuộc họp thường niên của định chế này diễn ra vào ngày 21/4. Đương kim Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick sẽ rời cương vị này khi kết thúc nhiệm kỳ công tác 5 năm vào cuối tháng 6.
Các nền kinh tế đang phát triển đang kêu gọi việc lựa chọn Chủ tịch WB dựa trên năng lực và phẩm chất của các ứng cử viên, thay vì quốc tịch. Nhưng nếu nhìn vào quy trình bầu Chủ tịch WB, có thể thấy, người tiếp theo đảm nhiệm chức vụ này nhiều khả năng sẽ lại là một người Mỹ, tức là ông Kim.
Việc bầu Chủ tịch WB sẽ được thực hiện thông qua Hội đồng Quản trị (Board of Directors) gồm 25 thành viên của định chế này. Trong hội đồng này, 8 quốc gia gồm Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Saudi Arabia và Nga mỗi nước có một đại diện do từng nước tương ứng cử ra. 17 thành viên còn lại trong hội đồng này đại diện cho 17 nhóm nước khác nhau, do các thành viên còn lại bầu ra.
Sức nặng lá phiếu (voting power) của mỗi thành viên Hội đồng Quản trị dựa trên tỷ lệ góp vốn của mỗi quốc gia vào WB. Trong đó, các nước có sức nặng lá phiếu lớn nhất bao gồm Mỹ (15,74%), Nhật Bản (9,41%), Đức (4,91%), Anh (4,39%), và Pháp (4,39%).
Việt Nam nằm trong nhóm cùng các nước Brunei, Fiji, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Singapore, Thái Lan và Tonga, do Indonesia làm đại diện. Cả nhóm này có sức mạnh lá phiếu khoảng 2,4%.
Để tính sức mạnh lá phiếu của từng nước, mỗi nước khi gia nhập WB sẽ được tặng 250 điểm. Số điểm cộng thêm sau đó sẽ tùy thuộc vào đóng góp ngân sách. Hiện Việt Nam có 1.218 điểm trong WB, so với mức 12.231 điểm của Indonesia và 256.219 điểm của Mỹ. Điều này cho thấy, sức mạnh tài chính có ảnh hưởng ra sao tới tiếng nói của mỗi nước trong WB.
Theo quy định, để trở thành Chủ tịch WB, ứng cử viên phải nhận được từ 85% phiếu thuận của Hội đồng Quản trị. Bởi vây, với tỷ lệ sức mạnh lá phiếu lên tới 15,74%, Mỹ hoàn toàn có quyền phủ quyết quyết định của tất cả các thành viên còn lại.
Bởi vậy, giả sử tất cả 24 thành viên còn lại trong Hội đồng Quản trị WB bỏ phiếu cho một ứng cử viên không phải của Mỹ mà Mỹ không đồng ý, thì kết quả đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Thêm vào đó, đáp trả lời kêu gọi của các nước mới nổi về chọn một Chủ tịch WB không phải người Mỹ, một số nghị sỹ Mỹ đã đáp trả bằng cách “cảnh cáo” sẽ không thông qua đóng góp ngân sách cho WB.
Từ khi WB được thành lập tới nay, chưa có Chủ tịch nào của định chế này lại không phải là người Mỹ.
Dưới đây là danh sách các vị Chủ tịch WB qua các nhiệm kỳ:
– Robert Zoellick (2007 – hiện tại), nguyên đại diện thương mại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Zoellick sẽ từ nhiệm vào tháng 6 năm nay
– Paul Wolfowitz (2005-2007), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush
– James Wolfensohn (1995-2005), một nhà ngân hàng và luật sư người Mỹ gốc Australia
– Lewis Preston (1991-1995), một nhà ngân hàng từng làm CEO của ngân hàng JP Morgan Chase
– Barber Conable (1986-1991), cựu Nghị sỹ Mỹ trong 20 năm
– Alden Winship Clausen (1981-1986), một nhà ngân hàng từng làm CEO của Bank of America
– Robert S. McNamara (1968-1981), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời các Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon Johnson
– George David Wood (1963-1968), một nhà ngân hàng, từng là Chủ tịch First Boston Corp
– Eugene Robert Black (1949-1962), nguyên lãnh đạo Chase National Bank
– John Jay McCloy (1947-1949), một luật sư, nguyên là Thứ trưởng Bộ Chiến tranh Mỹ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2
– Eugene Meyer (1946), một nhà đầu tư, sở hữu tờ The Washington Post
Theo An Huy
VnEconomy
(dantri.com.vn)