Tiết lộ thú vị về những đại gia “máu mặt” Trung Quốc
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trải đủ khó khăn, những Mã Vân, Sử Ngọc Trụ, Đinh Lỗi hay Hoắc Anh Đông…các nhân vật “máu mặt” trong giới lắm tiền nhiều của Trung Quốc mới có được cơ nghiệp khiến nhiều người phải ngước mắt thèm thuồng như ngày nay.
Không hẳn cứ đại gia, tỷ phú là sống trong nhung gấm từ thuở lọt lòng. Những tiết lộ thú vị sau đây về thuở niên thiếu của các đại gia Trung Quốc chứng minh một điều: “Ở đời, ai học được chữ ngờ”.
Mã Vân
Mã Vân (15/10/1964) hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc: “Jack Ma”. Ông chính là người sáng lập website thương mại điện tử lừng danh của Trung Quốc Alibaba.com.
Hồi nhỏ, Mã Vân là một cậu bé khá ngốc nghếch, chỉ thích đánh đấm và tỏ ra nghĩa hiệp tới mức phần lớn những trận “huynh đệ tương tàn” là vì bạn bè. Có lần, Mã Vân phải khâu 13 mũi sau một trận hăng máu đụng độ. Xuất thân không mấy sáng sủa, cha của ông có tính khí nóng nảy, hay cáu gắt, nên Mã Vân thích kết giao bạn bè và không mấy khi ở nhà.
“Kỳ thực, tôi rất ngốc, não bé xíu, chỉ có thể nghĩ từng vấn đề, nếu bạn đặt ra ba câu hỏi liên tiếp, tôi sẽ không tiêu hóa nổi”, Jack Ma hóm hỉnh chia sẻ.
Từ nhỏ, thành thích học tập của đại gia này đã không mấy nổi bật, thậm chí từng bị điểm 1 môn số học. Chỉ riêng môn tiếng Anh là tỏ ra xuất sắc hơn người. Và nguyên nhân khiến ông nổi trội về ngoại ngữ cũng khá hài hước. “Mỗi lần bố mắng, tôi lại dùng tiếng Anh để đáp trả. Ông nghe không hiểu gì, thế rồi tôi đâm nghiện, càng học càng vào”, Mã Vân nhớ lại. Từ năm 13 tuổi, ông đã đạp xe rong ruổi khắp Hàng Châu, trở thành hướng dẫn viên du lịch cho các vị khách nước ngoài để trau dồi ngoại ngữ.
Chuyện học hành của Mã Vân quả lắm phen lận đận, chuyện thi lại, học lại cũng là chuyện thường. Cho tới một ngày, ông nhặt được cuốn sách tại nhà ga Kim Hoa có nhan đề “Nhân sinh”. Cuốn sách ấy đã làm thay đổi cách sống của cậu bé ngốc nghếch thuở nào, và người sáng lập Alibaba.com lúc này bỗng hạ quyết tâm: “Tôi phải học đại học”.
Năm 1984, Mã Vân thi đậu Khoa ngoại ngữ, ĐH sư phạm Hàng Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành một giáo viên ngoại ngữ rồi dần dấn thân sang lĩnh vực thương mại điện tử. Tới nay, tên tuổi của ông đã gắn liền với trang web Alibaba.com và ý tưởng kinh doanh tuyệt vời cho trang này: “Mở ra là có, kích chuột là mua”. Theo tổng kết của tạp chí Hurun, tổng tài sản của đại gia này trong năm 2011 là 10 tỷ NDT.
Sử Ngọc Trụ
Sử Ngọc Trụ – một tỷ phú lừng danh trong lĩnh vực đầu tư, tài chính và trò chơi trực tuyến tại Trung Quốc sinh năm 1962 tại huyện Hoài Viễn, phía bắc tỉnh An Huy. “Bố làm việc tại công an Hoài Viễn, mẹ là một công nhân”, đại gia Sử cho biết. Thuở nhỏ, nhà giàu này đã ham mê đọc truyện tranh, nên thành tích học tập không mấy sáng sủa. Ông thường xuyên bị mẹ nhắc nhở, rầy la.
Tới năm 1977, ông mới chú tâm dùi mài đèn sách. Trước năm 18 tuổi, Sử Ngọc Trụ hai lần có cơ hội tới Thượng Hải – chốn phồn hoa sầm uất cùng cha mẹ. Ấn tượng đặc biệt với ông khi ấy là “Thượng Hải quá to lớn”. Tới năm 1980, với thành tích khá xuất sắc, ông thi đậu ĐH Chiết Giang, nhưng chỉ học hết một kỳ rồi bỏ dở và vĩnh biệt ước mơ trở thành nhà toán học lừng danh như Trần Cảnh Nhuận.
“Khi mượn cuốn ‘Số luận’ từ thư viện, đọc xong, tôi mới vỡ lẽ, toán học thật khó”, ông chia sẻ. Với Sử Ngọc Trụ lúc này, bạn bè cùng lớp thông minh, giỏi giang gấp bội. Sự thực ấy khiến ông gặp áp lực nặng nề. “Những người có thành tích nổi bật không học Thanh Hoa, Bắc Kinh mà đổ xô tới Chiết Giang, vì vậy, bạn bè trong lớp tôi rất nhiều người thông minh, có thành tích học tập rất tốt”, tỷ phú này nhớ lại. Biết mình “sức mỏng”, ông đành từ bỏ giấc mơ ấp ủ bấy lâu của mình. “Tôi rất muốn hoàn thành một việc gì đó, nhưng thời trẻ, tôi lại có suy nghĩ rằng mình không thể hoàn thành việc ấy, đó là nguyên nhân khiến lý tưởng trong tôi bị dập tắt”, Sử Ngọc Trụ thừa nhận.
Trải qua nhiều sóng gió và những lận đận của buổi đầu lập nghiệp, Sử Ngọc Trụ dần vươn lên trong giới kinh doanh. Cho tới nay, mỗi lần đề cập đến Sử Ngọc Trụ, người ta lại nhắc nhớ tới thương hiệu thuốc bổ Não Bạch Kim và game online Chinh Đồ do ông sở hữu. Theo tổng kết của tạp chí Hurun, trong danh sách những nhà giàu đình đám của Trung Quốc năm qua, Sử Ngọc Trụ vẫn đứng vững ở top 50 với giá trị tài sản lên tới 20 tỷ NDT.
Đinh Lỗi
Tiếp bước hai bậc đàn anh Sử Ngọc Trụ và Mã Vân Đinh Lỗi, ông chủ của mạng Netease cũng có thời niên thiếu không mấy rạng danh. Đại gia này sinh ngày 1/10/1971 tại Ninh Ba, Chiết Giang. Các phóng viên đã tìm thấy “vết tích” của Đinh Lỗi tại trường trung học Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Tháng 9/1986, Đinh Lỗi vào trường. Trong số những bạn bè cùng lớp của đại gia này, có thầy giáo Giang Hồng.
Theo hồi tưởng của anh Giang, hơn 10 năm trước, Đinh Lỗi học hành bình bình, chỉ xếp thứ 40 – 50 khi mới nhập học và không cân xứng với thương hiệu “đại gia” bây giờ. “Điều thú vị là, mỗi lần thi, thành tích xếp hạng của anh ấy lại tiến bộ dần, nhưng tốt nhất cũng chỉ xếp ở khoảng từ 10 – 20, chưa lần nào lọt vào top 10, càng không nói tới chuyện đứng đầu lớp”, Giang Hồng tiết lộ.
Hoắc Anh Đông
Hoắc Anh Đông sinh ngày 10/5/1923, quê gốc tại huyện Phiên Ngu, tỉnh Quảng Đông. Dù gia tộc họ Hoắc trước đây khá phồn vượng, nhưng trong giai đoạn Hoắc Anh Đông ra đời, gia đình lại lâm cảnh khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào cha thuê thuyền chở hàng để duy trì cuộc sống. Thậm chí, có giai đoạn, gia đình ông nghèo khổ tới mức trời rét căm căm vẫn phải chân trần cuốc bộ. Có lần, trong dịp Tết Nguyên Đán, cha Hoắc Anh Đông vận giày mới ra phố, rồi tháo giày ngồi xổm trên ghế ăn quà, ăn xong bèn chân đất về thuyền. Về tới nơi, ông mới giật mình nhận ra không xỏ giày trên suốt chặng đường. Khổ nỗi, thói quen chân đất cuốc bộ đã ăn sâu vào nếp sống của gia đình họ Hoắc.
Khi ấy không có chương trình dự báo thời tiết, nên những người sống trên sông nước như nhà họ Hoắc không được đảm bảo tính mệnh. Hai anh trai của đại gia Anh Đông cũng đã thiệt mạng trong một trận bão lớn, một người mới 5 tuổi, một người lên 7 tuổi. May mà mẹ ông được một người chú cứu vớt. Nhưng rồi chính người chú ấy cũng mất mạng vì bị lật thuyền lúc sóng lớn. Năm Hoắc Anh Đông tròn 7 tuổi, cha ông lâm bệnh qua đời khi mới 40 tuổi. Sau khi cha mất, gia cảnh càng thêm nghèo nàn. Khi ấy, ông còn có một người chị 9 tuổi và một em gái 5 tuổi. Gánh nặng mưu sinh dồn tất lên vai bà mẹ.
Mẫu thân của Hoắc Anh Đông quả là người phụ nữ kiên cường, bản lĩnh. Trong quãng thời gian gian khó ấy, bà chưa từng gục ngã trước số phận mà luôn tìm cách khắc phục khó khăn, cần mẫn lao động và tiếp tục phát triển cơ nghiệp của chồng.
Thời ấy, mặt hàng vận chuyển chủ yếu trên sông nước là than, vì không có xà lan riêng, nên nhà họ Hoắc chủ yếu kết hợp với các tàu hàng lớn từ hải ngoại về, thay họ đem hàng cho các thuyền tam bản chuyển lên bờ và nhận khoản tiền công ít ỏi. Cha của Hoắc Anh Đông thời còn sống có mối kết giao hữu hảo với bạn bè trong giới, mẹ ông lại sống cởi mở, rộng rãi, nên nhiều người tỏ ra đồng cảm, thương xót cho hoàn cảnh côi cút, khó khăn của gia đình ông. Tuổi thơ của Hoắc Anh Đông trải qua những ngày sóng gió như thế. Nhưng chính những gian nan, hoạn nạn đã giúp ông trưởng thành và trở thành một thương gia lừng lẫy trong nhiều lĩnh vực: bất động sản, xây dựng, Hong Kong, từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc (tháng 3/1993). Tới ngày 28/10/2006, ông qua đời tại Bắc Kinh, hưởng thọ 84 tuổi.
Theo Cát Miên
Đất Việt/Xinhua (dantri.com.vn)