Titanic đắm vì chân trời ảo
Một bức tranh về tàu Titanic. Ảnh: fortunecity.com. |
Tim Maltin, một sử gia Anh, vừa công bố một cuốn sách mới về vụ đắm tàu Titanic, một trong những con tàu lớn nhất, sang trọng nhất song cũng có tuổi đời vô cùng ngắn ngủi trong lịch sử hàng hải. Vào ngày 14/4/1912, Titanic chìm xuống đáy Đại Tây Dương do đâm trúng một tảng băng lớn cách đảo Newfoundland của Canada khoảng 640 km. 1.517 người đã chết trong vụ tai nạn.
Theo tạp chí Smithsonian, Maltin lập luận rằng hiện tượng siêu khúc xạ ánh sáng trong không khí đã tạo ra một ảo ảnh trên bề mặt đại dương. Ảo ảnh đó khiến thủy thủ không thấy một tảng băng lớn trôi về phía tàu. Sau khi Titanic đâm trúng tảng băng, những tàu xung quanh cũng không thấy Titanic vì ảo ảnh.
Kết quả một cuộc điều tra vụ đắm tàu Titanic trong thập niên 90 cho thấy siêu khúc xạ ánh sáng có thể là một trong những nguyên nhân khiến thảm họa xảy ra. Nhưng hồi đó không ai nghiên cứu sâu giả thuyết ấy, Maltin cho biết. Ông đã nghiên cứu các tài liệu về thời tiết, nhật ký hàng hải và lời kể của những người sống sót trong vụ đắm tàu Titanic để tìm hiểu điều kiện không khí khi đó. Dữ liệu chỉ ra rằng, hôm đó một lớp không khí nóng nằm phía trên một lớp không khí lạnh hơn. Người ta gọi tình trạng này là nghịch đảo nhiệt.
Hải trình của tàu Titanic và lộ trình di chuyển của tảng băng trên Đại Tây Dương. Đồ họa: Sky & Telescope. |
Do bị lớp khí nóng hơn khống chế, lớp khí bên dưới không thể bay lên cao khiến khói từ các tàu cũng không thể bay lên cao để phát tán. Khói tập trung bên dưới lớp không khí lạnh hơn khiến ánh sáng bị “bẻ cong” sau khi xuyên qua hai lớp không khí. Hiện tượng siêu khúc xạ ánh sáng có thể tạo nên một chân trời giả và tảng băng nằm ngay phía dưới chân trời giả ấy. Vì thế tảng băng nằm ngoài tầm quan sát của người trên tàu Titanic và bản thân tàu Titanic cũng nằm ngoài tầm quan sát của các tàu khác.
Những người sống sót kể rằng thủy thủ trên tàu Titanic đã phát tín hiệu báo động khi tảng băng ở vị trí cách tàu khoảng 1.600 m, song tảng băng vẫn đâm trúng tàu vì tín hiệu báo động vang lên quá muộn.
Donand Olson, một nhà thiên văn của Đại học Texas tại Mỹ, mới đây đưa ra một giả thuyết khác để giải thích nguyên nhân khiến tàu Titanic đắm. Theo ông, hiện tượng siêu trăng xảy ra trùng với khoảng thời gian mặt trăng, mặt trời, trái đất xếp thẳng hàng khiến thủy triều trên đại dương trở nên mạnh bất thường. Do sóng quá lớn, những tảng băng chìm sâu dưới biển bật lên và một tảng băng lao vào tàu Titanic.
Minh Long