Nhạc cổ điển: Không có chuyện dọa khán giả
– Khi thưởng thức âm nhạc cổ điển, với những tác phẩm có quy mô gồm nhiều chương, khán giả thường không vỗ tay tán thưởng giữa các chương nhạc.
Văn hoá thưởng thức được hình thành dựa trên cơ sở tôn trọng cảm xúc liền mạch của người nghệ sỹ biểu diễn và tôn trọng không gian cảm nhận của những khán giả khác trong đêm diễn. Khán giả không nên gây ồn khi mọi người im lặng, không nên chụp hình với đèn flash, quay phim, đi lại che chắn tầm nhìn, và tất cả mọi hoạt động nên bắt đầu khi nghệ sỹ tạm dừng biểu diễn. Mục đích của những ứng xử như vậy cũng là để cho một đêm diễn hoàn hảo, và khán giả được thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của âm nhạc.
Nếu khán giả mới nghe chưa hiểu hết cấu trúc của các tác phẩm được biểu diễn trong buổi hòa nhạc, họ có thể xem qua danh mục biểu diễn của chương trình để nắm bắt được tác phẩm đó có cấu trúc chương như thế nào. Và biết được khi nào tác phẩm bắt đầu, hay kết thúc.
Mozart rất hào hứng với tiếng vỗ tay của khán giả ở giữa chương nhạc
Tuy nhiên thực tế, ngay tại nhiều nước có nền âm nhạc cổ điển phát triển hiện nay, trong các đêm diễn nhạc cổ điển việc vô ý (đôi khi là cố ý) vỗ tay giữa các chương nhạc vẫn hay xảy ra. “Quy tắc” vỗ tay đã được xem nhẹ và đơn giản hoá hơn nhiều. Rất nhiều nghệ sỹ, nhạc trưởng hiện nay không câu nệ việc vỗ tay giữa chương, thậm chí, một số người, như nhạc trưởng G.Dudamel, E.Oue hay G.Cooper còn cổ suý cho việc vỗ tay giữa các chương.
Nhạc trưởng Eiji Oue đã thổ lộ: “Tôi nghĩ điều này thật tuyệt. Nếu thính giả bị thu hút thật sự và tiếng vỗ tay bật ra, nó rất tốt. Tôi nghĩ rằng nếu cảm xúc chân thật tạo ra tiếng vỗ tay đấy, thì tại sao không…. Mozart trong một lần viết thư cho bố sau một buổi biểu diễn Paris Symphony của ông. Ông kể lại một cách tự hào rằng, mọi người đã vỗ tay sau chủ đề hai của chương đầu – và ông cảm thấy vô cùng phần khích. Nếu nó đủ tốt cho Mozart, nó cũng hoàn toàn đủ tốt cho tôi.”
Nhạc trưởng Grant Cooper cùng quan điểm như vậy: “Thật ra tôi cho rằng có những đoạn nhạc (như kết thúc chương đầu của bản piano concerto số 1 của Tchaikovsky) rất khó cho những ai đam mê âm nhạc mà không cảm thấy phấn khích khi nó được biểu diễn một cách cuốn hút. Không khó hiểu với tôi về việc sự nhiệt tình vỗ tay của khán giả là một cảm xúc chân thật.
Thực ra, vỗ tay giữa các chương nhạc từng là một phần quy tắc của buổi hòa nhạc. Khi tôi có cơ hội, thỉnh thoảng tôi có nói với thính giả rằng không có gì xảy ra nếu họ vỗ tay giữa các chương – không hề có việc dọa nạt cho họ sợ…Tôi không cảm thất thất vọng khi thính giả vỗ tay trước khi một bản nhạc kết thúc. Tôi hoàn toàn vui khi họ ở đây, và đó là bằng chứng cho tôi biết rằng thính giả vẫn còn thức, rằng họ đang sống, nghĩ và thưởng thức. Sự thưởng thức là tuyệt vời.”
…. cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc
Ngày càng nhiều những buổi hoà nhạc nghiêm túc hoặc các đêm diễn opera, ballet, khán giả đến nhà hát với trang phục giản dị hơn chứ không là những bộ quần áo xa hoa, lộng lẫy đắt tiền. Miễn là không ăn mặc kệch cỡm, rườm rà với những phụ kiện gây ảnh hưởng đến việc nghe, nhìn của người khác, thì việc bạn mặc gì là quyền cá nhân của bạn. Bạn đến nhà hát là để cảm nhận vẻ đẹp của âm nhạc, sẽ thật tệ nếu lúc nào cũng phải canh cánh những quy tắc rườm rà như vậy.
Những quan điểm trên rõ ràng cho thấy rằng, điểm mấu chốt trong văn hoá thưởng thức nhạc cổ điển hiện nay không phải là bạn nên vỗ tay thế nào, hành động thế nào, tuân theo quy tắc gì mà là bạn ứng xử thế nào để tôn trọng với cảm xúc thưởng thức âm nhạc của mọi người và chính mình.
N.H.V