Cưỡng chế Tiên Lãng: Bộ đội tham gia, đúng hay sai?
“Việc huy động cả bộ đội biên phòng để cưỡng chế thu hồi đất rõ ràng không phù hợp với tình hình của sự việc xảy ra ở gia đình ông Vươn”, luật gia nói.
Qua vụ việc về cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, một trong những vấn đề mấu chốt đáng quan tâm là trình tự, thủ tục thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Vậy, theo quy định của pháp luật thì trình tự thủ tục thực hiện việc cưỡng chế là như thế nào, việc huy động lực lượng tham gia cưỡng chế trong trường hợp này có phù hợp quy định của pháp luật?
Xung quanh vấn đề này, PV VTC News có cuộc trao đổi với Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật hợp danh FDVN về vấn đề này.
Luật sư Võ Công Hạnh, Công ty Luật hợp danh FDVN |
– Theo quy định của pháp luật thì việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi nào và trình tự thủ tục ra sao, thưa luật sư?
Theo khoản 3, Điều 39 Luật đất đai 2003, Điều 32 Nghị định 69/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật đất đai, trường hợp người bị thu hồi đất không chấp hành quyết định thu hồi đất thì uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế thu hồi đất phải hội đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 32 Nghị định 69/2009/NĐ-CP, như: a) Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định 69/2009/NĐ-CP; Quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 69/2009/NĐ-CP mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước; Có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành; Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi. Sau 15 ngày kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
– Việc tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất có bắt buộc thành phần bộ đội biên phòng tham gia không? Theo quy định của pháp luật thì bộ đội biên phòng có chức năng nhiệm vụ tham gia cưỡng chế thu hồi đất không?
Đối với việc tổ chức cưỡng chế hành chính, theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài các thành phần thuộc có quyền hạn, nhiệm vụ thi hành quyết định cưỡng chế liên quan đến công tác quản lý hành chính nhà nước, thì khi cần thiết các cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế có thể yêu cầu lực lượng cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế.
Cụ thể về thành phần tham gia cưỡng chế thu hồi đất chưa được quy định rõ trong các quy định pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, đối với vấn đề có sự tham gia của lực lượng cảnh sát thì Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 đã có quy định tại Điều 66. Còn bộ đội biên phòng tham gia cưỡng chế thu hồi đất thì chưa có quy định nào thể hiện điều này.
Bên cạnh đó, nếu đối chiếu với Pháp lệnh bộ đội biên phòng và các văn bản hướng dẫn thì không có quy định nào cho thấy bộ đội biên phòng có quyền hạn, nhiệm vụ tham gia cưỡng chế thu hồi đất của người dân.
– Trường hợp cụ thể nào thì bộ đội biên phòng mới được tham gia cưỡng chế thu hồi đất?
Pháp luật cần quy định rõ hơn các thành phần tham gia cưỡng chế hành chính. Với các quy định hiện hành thì chưa có văn bản nào quy định thủ tục cưỡng chế thu hồi đất với thành phần bao gồm những ai, khi nào thì cần có có lực lượng hỗ trợ, bảo vệ, khi nào thì không.
Vấn đề này cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thu hồi đất. Nếu không làm rõ sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện huy động lực lượng vũ trang một cách không cần thiết tham gia vào việc giải quyết các vấn đề mang tính hành chính đơn thuần.
Việc huy động cả bộ đội biên phòng để cưỡng chế thu hồi đất rõ ràng không phù hợp với tình hình của sự việc xảy ra ở gia đình ông Vươn.
– Như vậy việc tham gia của bộ đội biên phòng trong việc cưỡng chế thu hồi đất là chưa đúng?
Cái cần phải nhìn thấy ở đây là việc tổ chức lực lượng cưỡng chế một cách “hùng hậu” không cần thiết. Trong nhiều trường hợp, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của nhà nước và công dân thì bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể tham gia bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người d&
acirc;n, không riêng bộ đội biên phòng hay các lực lượng quân đội khác.
Tuy nhiên, việc cả một lực lượng hùng hậu bao gồm cả quân đội, công an, bộ đội biên phòng… được UBND huyện Tiên Lãng huy động để thực hiện một việc nhỏ như cưỡng chế thu hồi mảnh đất của một gia đình người dân thì là biểu hiện tâm lý coi người dân bị thu hồi đất như đối tượng cần “chiến đấu” chứ không phải là đối tượng để giải thích, để thuyết phục, để làm cho dân đồng thuận.
Điều này rất dễ gây cảm giác ức chế, cảm giác cô độc và bị đàn áp trong lòng người dân. Theo tôi đó cũng là một trong những lý do gây nên hoàn cảnh bị dồn vào thế cùng, tạo ra những phản ứng không ai mong muốn trong vụ Đoàn Văn Vươn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Phan Mạnh(vtc)
(*Bài viết được thực hiện với sự giúp đỡ của Công ty Luật hợp danh FDVN, 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng. ĐT: 05113. 890 568 Website: www.fdvn.vn Email: [email protected])