Gặp 5 nữ CEO thành đạt đi lên từ hai bàn tay trắng
Với một xuất phát điểm thấp, nhưng họ đã vượt qua chính mình, chinh phục thương trường và đạt được những thành công vang dội. Họ là ai?
Bên cạnh trí thông minh “bẩm sinh” trời phú cùng một chút may mắn trong cuộc sống, họ đã phải làm việc rất chăm chỉ, thậm chí cật lực mới có thể tự bẻ lái cuộc đời mình từ một người nghèo khổ thành một doanh nhân thành đạt.
Hãy cùng nhìn lại câu chuyện cuộc đời của 5 nữ doanh nhân thành đạt, đi lên từ hai bàn tay trắng dưới đây:
1. Chong Phit Lian, Tổng Giám đốc điều hành hãng hàng không Jetstar Asia
Gia đình của Chong Phit Lian từng phải sống trong cảnh vật lộn với các vấn đề về tài chính sau khi cha bà – người được xem là trụ cột của gia đình – qua đời trước khi bà tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong khi một số anh chị em khác của bà quyết định bỏ học để đi làm thì người phụ nữ sinh ra ở Malaysia này đã cố gắng tự xoay sở để được tới Singapore tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đèn sách của mình.
Để tự trang trải cuộc sống và nộp học phí cho mình, ngoài việc xin trợ cấp, kiếm học bổng, bà Chong còn đi làm thêm các công việc như gia sư. Sau khi học xong ở đây vào năm 1975, người phụ nữ đầy nghị lực ấy đã làm cùng lúc 3 công việc: trợ lý kĩ thuật, bán bảo hiểm và gia sư để kiếm đủ tiền theo học tại 1 trường đại học ở Birmingham (Anh).
Trong suốt quãng thời gian ở Anh, những khó khăn chồng chất vẫn cứ dai dẳng theo đuổi bà khiến bà vừa phải lo học, vừa đi làm thêm bán thời gian trong một nhà máy. Hiếm ai biết rằng, có những lần sát nút hạn chót nộp học phí, nhưng do chưa xoay sở đủ tiền, bà đã phải vay chính thầy giáo của mình để nộp.
Tuy nhiên, tất cả giờ đã qua đi và bà đã vượt qua chính mình, chiến thắng số phận để trở thành nữ Tổng giám đốc điều hành đầy quyền lực của Jetstar Asia. Chia sẻ về bản thân, bà Chong nói: “Tôi có một tinh thần làm việc bất diệt. Tôi luôn cố gắng hết sức dù cho có những việc mà mọi người hay nói là …không tưởng hoặc cho rằng khó có thể thực hiện được”.
2. Olivia Lum, Chủ tịch công ty xử lý nước lớn nhất Đông Nam Á – Hyflux
Ngày 9/1/1961, Olivia Lum bị bỏ rơi ngoài hành lang một bệnh viện nhỏ ở Perak, Malaysia. Nhưng hiếm ai ngờ rằng, đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, từ bụi đời lại có thể trở thành người phụ nữ giàu nhất nhì Đông Nam Á.
Không giống như câu chuyện cuộc đời của hầu hết các doanh nhân thành đạt khác, bà Lum khởi nghiệp từ chính những nỗi thống khổ trong cuộc sống của mình – một đứa trẻ luôn lo lắng rằng một ngày nào đó, trên bàn sẽ không có thức ăn hoặc không còn chỗ nào để ở.
Kí ức dọc tuổi thơ của bà Lum là sự đói khổ đến kinh hoàng. Mẹ nuôi của Lum, người mà cô thường gọi là “bà nội”, đã phải bán nhà vì thua bạc rồi đưa Lum đến sống tại một lán gỗ tồi tàn ở Kampar, Malaysia. Cả hai người họ luôn sống trong nỗi lo sợ một ngày nào đó sẽ trở thành kẻ vô gia cư và sống trong cảnh đói rét.
Thêm vào đó, ngôi lán họ ở lại không bao giờ có đủ nước sinh hoạt, chỉ có nước mưa là không ngừng xối xuống nền trong những ngày bão gió. Rồi người mẹ nuôi – người thân duy nhất của bà Lum cũng qua đời, bỏ mặc bà giữa ngổn ngang những chông gai trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cái khốn khó của ngày ấy đã không làm Lum sụp đổ, trái lại, bà nung nấu một ý chí vươn lên mãnh liệt để thành công. Bà cũng từng tới Singapore để học. Thời sinh viên, Lum đã phải làm đủ nghề để kiếm sống và trang trải chuyện học hành.
Sau khi tốt nghiệp, với 12 nghìn USD có được sau hơn 3 năm làm việc chăm chỉ, bà đã thành lập Công ty Hyflux và cùng với 2 nhân viên, Lum bắt đầu bằng việc bán các thiết bị xử lý nước. Sau 3 năm phân phối sản phẩm cho các công ty, Lum chuyển sang bán hệ thống xử lý nước do chính mình sản xuất. Còn hiện giờ, bà đang là Chủ tịch công ty xử lý nước lớn nhất Đông Nam Á – Hyflux.
3. Annie Gan – Tổng Giám đốc điều hành Công ty xây dựng Jian Huang
Tất cả những gì mà bà Annie Gan mong muốn có được khi bà đặt chân tới Singapore cách đây hơn 18 năm chỉ là có một công việc tốt, kiếm đủ tiền để nộp học phí cho khoá học bán thời gian của bà ở đây.
Năm 21 tuổi, sau 2 năm ở cấp trung học phổ thông, bà vượt qua kì thi Sijil Pelajaran Malaysia (Kỳ thi Cấp Chứng chỉ Malaysia) và đến đất nước này vào năm 1992. Tại đây, bà làm việc với vai trò trợ lý (thư kí) cho một nhà thầu phụ.
Người phụ nữ đầy nghị lực, tài năng này hồi tưởng lại: “Hồi đó, tôi làm tất cả mọi việc được giao, thậm chí ôm thêm cả phần việc của các đồng nghiệp lúc bấy giờ mà không hề than phiền gì cả bởi vì tôi rất …khát chữ”.
Bà Annie của lúc bấy giờ chẳng dám mơ ước cao xa về một tương lai tươi đẹp như hiện tại. Tuy nhiên, bằng tài năng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ngày nay bà đã trở thành Tổng giám đốc điều hành một công ty xây dựng “triệu đô” với tốc độ tăng trưởng … ‘chóng mặt’.
4. Linda Onn – Bà chủ một nhà hàng sang trọng đồng thời cũng là một người nổi tiếng
11 năm trước, cô nàng Linda Onn khởi nghiệp với công việc của một nhân viên văn phòng, nhận mức lương chỉ khoảng 296 USD Singapore/tháng. Tuy nhiên, nhờ nhan sắc hơn người, không lâu sau đó cô nàng nhận được lời mời trở thành người mẫu quảng cáo cho nhiều sản phẩm trên truyền hình. Kể từ đó, khoản tiền tích luỹ của Onn ngày một tăng lên.
Trên thực tế, cách đây 6 năm, cô nàng đã sở hữu một khối tài sản “kếch sù” nhờ việc quảng cáo các sản phẩm trên truyền hình mà chưa biết dùng tiền vào việc gì.
“Rồi tôi quyết định lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh. Sau nhiều suy tính, tôi quyết định mở một nhà hàng gia đình bởi vì bố mẹ tôi có kinh nghiệm kinh doanh ở lĩnh vực này. Thêm vào đó, hầu hết các thành viên trong gia đình tôi đều nấu ăn khá ổn”, Onn tâm sự.
Từ hai bàn tay trắng, nhờ biết tích luỹ tiền của và có chí lớn, dám dấn thân theo đam mê mà giờ đây Onn đã trở thành bà chủ của 5 nhà hàng sang trọng.
5. Jennie Chua – Chủ tịch Tập đoàn Ascott (Singapore)
Khởi nghiệp khiêm tốn với đồng lương “còm cõi” của một giáo viên tại trường trung học St Margaret (Singapore) vào những năm 1960, ít ai ngờ rằng bà Jennie Chua sau này lại trở thành người phụ nữ đầy quyền lực giữ chức Chủ tịch tập đoàn Ascott.
Chia sẻ về gia cảnh của mình, bà Jennie nói: “Tôi phải bỏ học giữa chừng khi đang là sinh viên đại học bởi vì gia đình tôi quá nghèo. Tôi phải nghỉ học để làm việc kiếm sống. Và công việc duy nhất phù hợp với tôi lúc đó chính là dạy học”.
Năm 1971, bà Chua xin làm việc tại khách sạn Mandarin. Bà kể: “Tôi được trả 650 USD/tháng sau khi thương lượng. Ban đầu họ chỉ đồng ý trả tôi 400 USD, nhưng tôi đã từ chối. Quả thật 650 USD là một món tiền lớn đối với tôi lúc bấy giờ”.
Giờ đây, người phụ nữ này không chỉ trở thành Chủ tịch tập đoàn Ascott mà còn là cổ đông lớn của nhiều công ty khác nữa.
M.Q