Trung Quốc cố tìm kiếm nguồn dầu mới
Trung Quốc đang thực hiện mọi nỗ lực có thể trong dài hạn để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn năng lượng vào các nhà cung cấp dầu truyền thống, bao gồm Iran, kể cả khi họ công khai phớt lờ áp lực của Mỹ và châu Âu trong việc cắt giảm nguồn nhập khẩu từ Iran.
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm thứ năm đã kết thúc chuyến công du tới vùng Vịnh Ba Tư, nơi ông ký kết hàng tỉ đô la hợp đồng với các đồng minh của Mỹ như Ảrập Xêút, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Qatar. Mặc dù ông Ôn không thăm Iran nhưng chuyến đi diễn ra giữa lúc Trung Quốc phải đối mặt với những câu hỏi về sự ủng hộ rõ ràng của họ dành cho Tehran.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và hoàng tử nối ngôi Nayef bin Abdulaziz Al Saud in Riyadh hội đàm tại Ảrập Xêút. Ảnh: THX |
Hôm thứ tư, ông Ôn đã bảo vệ mối quan hệ năng lượng sâu sắc của Bắc Kinh với Iran nhưng tuyên bố Trung Quốc phản đối chương trình hạt nhân mà Tehran theo đuổi – chương trình khiến một số quốc gia trong đó có Ảrập Xêút xem như là mối đe dọa trước mắt với an ninh khu vực. “Chúng tôi lo ngại sâu sắc về tình hình ở vùng Vịnh và ở Trung Đông”, ông Ôn nói trong cuộc họp báo ở Doha.
Mối quan hệ ngày càng được thúc đẩy giữa Trung Quốc với các quốc gia bạn bè của Mỹ ở Trung Đông được tiến hành song song với các nỗ lực rộng lớn hơn để làm đa dạng hóa nguồn tài nguyên dầu nước ngoài. Một số nhà xuất khẩu nhỏ hơn ở Trung Quốc cũng như các nhà cung cấp mới nổi tại châu Phi và Mỹ Latinh đang không ngừng gia tăng thị phần ổn định trong tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, tổng thị phần từ ba nhà cung cấp hàng đầu – Ảrập Xêút, Angola và Iran – đã giảm chậm kể từ năm 2009, trong khi tổng lượng dầu nhập khẩu tăng tới 14% từ 2009 – 11/2011. Lượng nhập khẩu từ Venezuela tăng gấp đôi cùng kỳ trong khi dầu thô nhập khẩu từ Kazakhstan, Iraq và UAE tăng mạnh.
Dù vậy, chương trình đa dạng hóa nguồn cung của Trung Quốc vẫn còn con đường dài trước mặt và Iran vẫn chiếm khoảng 11% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Theo giới phân tích, bất kỳ động thái nào từ Trung Quốc để hạn chế lượng nhập khẩu Iran có thể làm tăng giá dầu toàn cầu khi Bắc Kinh tìm kiếm nguồn ở những nơi khác. Yêu cầu đa dạng nguồn cung trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết giữa lúc đình trệ lượng dầu nhập khẩu từ Libya và Sudan, trong khi Bắc Kinh ngày càng lo lắng bởi sự bất ổn từ Mùa xuân Ảrập có thể lan rộng.
Tehran đã đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz, một kênh vận chuyển dầu tối quan trọng, để phản ứng với các biện pháp trừng phạt do Mỹ khởi xướng. Còn Sudan và Nam Sudan đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp vận chuyển dầu đe dọa sự ngừng trệ lớn trong xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Sudan chiếm 5% dầu nhập khẩu Trung Quốc năm ngoái.
“Trung Quốc đang tiến triển tốt theo hướng đa dạng hóa dầu cung cấp”, Gordon Kwan, nhà phân tích năng lượng tại Mirae Asset Securities ở Hong Kong nói. “Nếu họ chỉ tập trung vào một hay hai quốc gia thì khi có bất ngờ xảy ra tác động tới sản lượng, giá dầu toàn cầu có thể dễ dàng lên gấp đôi”.
Cuối tuần qua, trong khuôn khổ chuyến công du của ông Ôn, tập đoàn Sinopec và nhà khổng lồ Ảrập Xêút Oil Co. đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy lọc dầu 400.000 thùng/ngày tại Yanbu với tổng trị giá khoảng 8,5 tỉ USD. Nhà phân tích cho rằng, sản phẩm từ Yanbu sẽ được bán sang thị trường Ảrập Xêút thay vì ở Trung Quốc như là cách để xây dựng thiện chí với quốc gia vùng Vịnh trong hy vọng Trung Quốc sẽ xâm nhập sâu hơn vào nguồn cung năng lượng của nước này.
Giới phân tích cho rằng, ông Ôn dường như đã ép Ảrập Xêút đảm bảo việc sẵn sàng gia tăng sản lượng trong tình huống nguồn cung từ Iran sụt giảm. Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận chuyện này.
Cũng vào hôm thứ năm, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc cho biết đã đạt được một thỏa thuận với Qatar Petroleum International và Royal Dutch Shell PLC để xây dựng cơ sở lọc dâu tại thành phố Thái Châu, phía đông Trung Quốc. Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung, Trung Quốc cũng đang mở rộng những con đường dầu nước ngoài tới nước này. Ông Ôn hôm thứ tư nói rằng, Trung Quốc phản đối đe dọa của Iran trong việc phong tỏa eo biển Hormuz, đồng thời cũng lo ngại sự gián đoạn vận chuyển tại eo biển Malacca, gần Singapore và là một lộ trình quan trọng nơi hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ.
Thái An (theo Wall Street Journal)