Tục đuổi chim cuốc đầu năm
Ở Yên Dũng hàng năm cứ vào mùng 4 Tết là lễ hội đuổi chim cuốc lại bắt đầu, với ý nghĩa xua đi đen đủi để đón điều may mắn, cầu mong cho cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Làng Tân Ninh (còn có tên là Khê Trang, hay làng Ngòi thuộc xã Tư Mại) có lệ đuổi chim cuốc đầu năm. Tương truyền vào thời Lý có công chúa đi đánh giặc bị chết đuối trôi xác về làng Ngòi và bị đàn chim cuốc mổ. Nhân dân trong làng đã tập hợp nhau đuổi cuốc đi, vớt xác công chúa lên.
Cũng có người lại giải thích: lệ đuổi cuốc bắt nguồn từ tục săn bắn của người dân địa phương. Đã thành thông lệ, hằng năm vào đầu xuân ngày mùng 4 tết, ngoài đình chiêng trống nổi lên, trong làng mâm nồi, thúng mẹt… gõ inh ỏi. Hội đuổi cuốc diễn ra từ lúc sáng sớm, dân làng đem que, gậy tìm cuốc ở bờ tre, bụi cây, ngoài cánh đồng… Những con cuốc bắt được, dân làng làm thịt, nấu xôi để tiến lễ thành hoàng làng.
Chim cuốc. |
Làng Yên Khê, xã Song Khê, cũng có tục đuổi cuốc đầu năm. Tục này bắt nguồn từ sự tích: Xưa kia ở làng Yên Khê, cạnh gốc Ruối cổ có một cái ao lớn lại có ba pho tượng: Pho A Di Đà, tượng Phật Bà Quan Âm và tượng Đức Thánh Tăng nổi trên mặt nước bị đàn cuốc mổ xác tượng “ăn thịt”. Tượng bằng đất mà chim cuốc lại mổ xác ăn thịt.
Thấy điều lạ dân làng ra đuổi cuốc đi và vớt ba pho tượng lên. Từ đó tiếng lành đồn xa rằng những pho tượng kia rất linh thiêng, rồi mọi người trong làng cùng nhau bỏ tiền của công đức xây dựng một ngôi chùa gọi là chùa Trẻ và đưa những pho tượng vào chùa thờ. Từ đó về sau đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 4 Tết cả làng Yên Khê cùng nhau đi đuổi bắt chim cuốc. Ai bắt được chim cuốc đem ra đình làm lễ trình làng và lĩnh giải thưởng.
Làng Đông Hương, xã Nham Sơn, cũng có phong tục tương tự. Tục này bắt nguồn từ sự tích: Đình làng Đông Hương thờ quan Thái sư Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung đã có công giúp dân làng trừ rắn thần (bạch xà), bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. Vợ chồng ông còn giúp nhân dân địa phương khai hoang lập ấp, tăng gia sản xuất cho cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Hằng năm ngày hội làng Đông Hương có diễn lại tích trò “múa bông đánh bệt” ôn lại sự tích Thái sư Trần Thủ Độ trừ bạch xà bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Ngoài thờ thành hoàng làng, đình Đông Hương còn thờ rắn thần và được nhân dân địa phương rất coi trọng.
Rắn thần thờ trong đình nhưng đàn chim cuốc thường bay về rỉa xác rắn nên dân làng tập trung cùng nhau đuổi cuốc đi. Hằng năm, vào đầu xuân, hội đuổi chim cuốc được diễn ra từ lúc sáng sớm, dân làng mang que gậy… tìm cuốc trong đình, ngoài bờ tre, ngoài cánh đồng… ai bắt được cuốc sẽ được làng trọng thưởng.
Tục đuổi cuốc đầu năm là nét văn hóa dân gian độc đáo của một vùng quê, thể hiện mong ước của người dân nông nghiệp cho một năm mới có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tục lệ này không những tạo sự khác biệt văn hóa dân gian vùng miền mà còn làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân giân của dân tộc.
Thu Hường