“Bẫy 4-2-1” ở Trung Quốc
Hành khách chờ lên tàu ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: AP. |
Năm nay ăn Tết quê ai?
Những cặp vợ chồng trẻ này là một phần của thế hệ sinh ra trong thời kỳ Trung Quốc áp dụng chính sách một con (bắt đầu từ năm 1978). Nhiều người ở các tỉnh đến những thành phố lớn để học đại học, rồi đi làm, lập gia đình. Giờ họ phải quyết định về quê ăn Tết cùng bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ chồng/vợ.
Đó là một quyết định chất chứa cảm xúc, đặc biệt đối với những người già thường phải sống cô đơn xa con cái. “Cả hai chúng tôi đều muốn về quê mình để ăn Tết. Chúng tôi luôn xung đột về vấn đề này”, chị Lin Youlan (30 tuổi, viên chức nhà nước) nói. Chị kết hôn với anh Li Haibin (33 tuổi) bốn năm trước. Chị Lin quê ở tỉnh Trùng Khánh ở tây nam Trung Quốc, còn anh Li quê Sơn Đông ở bờ biển miền đông. Họ hiện sống ở thủ đô Bắc Kinh.
Anh Li nói rằng, là con trai duy nhất trong gia đình, anh chịu áp lực rất lớn về việc về thăm bố mẹ đẻ đang đau yếu. “Ở tỉnh Sơn Đông, nam giới phải đón Tết nguyên đán cùng bố mẹ mình và vợ phải theo chồng. Tôi ngại người khác sẽ nhìn vào bố mẹ tôi mà nghĩ hoặc nói những điều không hay, nếu tôi không về quê mỗi dịp Tết đến xuân về”, anh Li nói.
Chị Chen Juan (29 tuổi) và anh Huang Feilong (31 tuổi) cưới nhau năm 2008 và sống ở Bắc Kinh. Bốn năm qua, họ luôn cãi nhau xem về quê ai để ăn Tết. Chị Chen quyết định sẽ sinh hai con dù có bị phạt nặng, để tránh cái mà chị gọi là bẫy “4-2-1” – bốn ông bà, hai bố mẹ và một con.
Vợ chồng Chen Juan và Huang Feilong trong căn hộ ở Bắc Kinh. Ảnh: Washington Post. |
Nhiều người già cô đơn
Theo truyền thống, người Trung Quốc đón giao thừa và ngày đầu năm mới (năm nay rơi vào 22 và 23-1) ở nhà người chồng, ngày thứ hai ở nhà vợ. Ngày xưa, các cặp vợ chồng thường sinh ra và lớn lên cùng tỉnh, thường là cùng làng. Nhưng gần đây đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khiến nhiều cặp vợ chồng không cùng quê. Nếu năm 1990 chỉ có 1/4 dân số sống ở các đô thị thì nay số dân thành thị đã vượt quá số dân nông thôn.
Sự thay đổi này, cùng với chính sách một con và những thay đổi xã hội khác, khiến hàng chục triệu người già phải sống đơn độc, nhiều người ít được chính phủ hỗ trợ. Ngoài ra, Trung Quốc có ít nhà dưỡng lão, không có đội ngũ chuyên nghiệp chuyên chăm sóc người cao tuổi ốm yếu. Trung Quốc có 178 triệu người từ 60 tuổi trở lên.
Bộ trưởng Bộ Các vấn đề dân sự Li Liguo nói rằng, con số này sẽ tăng lên 216 triệu, chiếm 16,7% tổng dân số, vào năm 2015. Vào thời điểm đó, sẽ có 51 triệu người từ 65 tuổi trở lên phải sống một mình mà không có trợ cấp xã hội. Trong khi số người già ngày càng tăng, tỷ lệ sinh đẻ hiện nay ở Trung Quốc chỉ là 1,54 con/phụ nữ (mức bình thường là 2 con/phụ nữ).
Khó về quê vì sương mù
Dự báo, một đợt mưa lạnh và tuyết rơi sẽ xuất hiện ở Trung Quốc một vài ngày tới, gia tăng áp lực với ngành giao thông vận tải vì sương mù ở miền bắc đã ảnh hưởng việc về quê đón Tết của nhiều hành khách. Hàng trăm chuyến bay phải hủy, hơn một chục tuyến đường cao tốc phải đóng cửa, một số tài xế thiệt mạng trên đường về quê.
Ngày 17-1, do sương mù, hơn 100 xe đâm nhau liên hoàn trên đường cao tốc Rongcheng-Wuhai ở tỉnh Sơn Đông, khiến 4 người chết, 14 người bị thương, cảnh sát địa phương thông báo.
Tại sân bay quốc tế Xianyang ở thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây), sương mù dày đặc từ sáng 18-1 khiến 207 chuyến bay với hơn 14.000 hành khách bị hủy hoặc hoãn. Chị Zhang Yao cùng chồng bay từ Bỉ đến sân bay quốc tế Bắc Kinh định bay tiếp tới Tây An, nhưng chuyến bay bị hủy. “Hãng hàng không bảo chúng tôi có thể đổi sang ngày khác, nhưng chuyến gần nhất còn chỗ là 23-1 rồi”, chị Zhang nói.
Ngành đường sắt thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) bị ảnh hưởng tương tự. Sương mù khiến một đoàn tàu cao tốc đang chạy phải dừng, khiến giao thông tuyến Bắc Kinh – Quảng Châu gián đoạn gần 5 giờ. Bộ Đường sắt thông báo thời tiết xấu khiến các thiết bị cao thế ngừng hoạt động để bảo đảm an toàn, dẫn tới việc cấp điện bị gián đoạn. Ngành đường sắt Trung Quốc sẽ chuyên chở 235 triệu hành khách dịp Tết 2012, tăng 6,1% so với Tết 2011.
Những người về quê ăn Tết bằng đường bộ cũng khốn khổ vì thời tiết xấu. “Tôi định lái xe về quê nhưng đoạn cao tốc chạy qua tỉnh Hà Bắc bị đóng cửa do sương mù. Dự báo mai có tuyết nữa”, Guo Wenjing, một công chức quê Hà Nam, nói.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo một đợt không khí lạnh sẽ gây mưa và tuyết rơi cuối tuần này ở tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quý Châu, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Tứ Xuyên và Chiết Giang.
Dịp Tết 2008, một đợt lạnh tràn qua nhiều vùng của Trung Quốc, làm gián đoạn việc đi lại, thông tin liên lạc, đồng thời khiến 129 người chết và gây thiệt hại vật chất 24 tỷ USD.
Về quê tốn kém Zhang Yaran, kỹ sư phần mềm 28 tuổi ở Bắc Kinh, nói năm nay sẽ cố gắng ăn Tết ở Giang Tây, sau hai năm chưa về quê. “Tôi sẽ đi thăm gần 20 người bà con trong dịp Tết và tặng quà họ”, anh nói. Số tiền để mua quà thực phẩm, áo len, tiền mừng tuổi… vào khoảng 8.500 nhân dân tệ (28 triệu đồng). Anh Zhang hiện có mức lương 12.000 nhân dân tệ (39,6 triệu đồng)/tháng, gần gấp đôi sau khi tốt nghiệp năm 2009. “Tiết kiệm tiền rất khó khăn vì giá hầu hết mọi thứ ở thành phố tăng. Giờ về quê ăn Tết cũng đau đầu vì tiền”, anh than. Theo một khảo sát trực tuyến với gần 8.000 người dùng weibo (dịch vụ tiểu blog rất phổ biến ở Trung Quốc) trên mạng Sina, 40% nói rằng chi phí cao là mối quan tâm lớn nhất của họ trong dịp Tết 2012. Các mối lo khác là mệt mỏi vì phải đi thăm, chúc Tết nhiều người, giao thông đông đúc, bị gia đình ép lập gia đình. |
Thái An
Theo Washington Post, Xinhua, China’s Daily, Global Times