Cuộc biểu tình quy mô của các ‘ông lớn trên Internet’
Google, hãng dịch vụ tìm kiếm hàng đầu thế giới và là một trong những tên tuổi có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên Internet, tuyên bố đăng một thông điệp lên trang chủ để “nhắc” người sử dụng về sự vô lý của dự luật SOPA (Stop Online Piracy Act) và PIPA (Protect IP Act).
SOPA (đang được Quốc hội Mỹ xem xét) và PIPA (do nghị sĩ Patrick Leahy đề xuất và đang được Thượng viện Mỹ xem xét) là hai dự luật gây tranh cãi có mục đích gần giống nhau: Nếu một website nước ngoài có nội dung vi phạm bản quyền, tòa án Mỹ có quyền xóa sổ trang web đó (ngăn truy cập của người Mỹ đến trang web, yêu cầu Google loại bỏ khỏi công cụ tìm kiếm…). Dự luật nghe có vẻ chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ, tuy nhiên, không ít hãng dịch vụ Internet Mỹ đang đặt máy chủ ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, cũng như nhiều công ty nước ngoài đang dùng tên miền từ các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ cũng sẽ bị kiểm soát thông tin theo quy định của SOPA.
“Như nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và người sử dụng web, chúng tôi phản đối SOPA được phê chuẩn vì có nhiều cách thông minh hơn để ngăn chặn các site vi phạm bản quyền ở nước ngoài mà không cần đến sự kiểm duyệt của các công ty Mỹ. Vì thế chúng tôi sẽ tham gia cuộc biểu tình online cùng các công ty công nghệ khác”, đại diện Google khẳng định trên CNet.
Google và hàng loạt công ty Internet sẽ lên tiếng phản đối SOPA vào 18/1. |
Wikipedia còn mạnh tay hơn khi tuyên bố sẽ ẩn 3,8 triệu bài viết bằng tiếng Anh trong 24 giờ cùng ngày. Khi tìm thông tin trên trang này, người dùng sẽ thấy thông điệp chống dự luật trên. “Chúng ta sẽ thành công. Chúng ta sẽ gửi tới Washington một thông điệp lớn”, Jimmy Wales, sáng lập Wikipedia, chia sẻ trên Twitter.
Ngoài Google và Wikipedia còn có WordPress, Mozilla, Reddit và nhiều công ty khác tham gia. Trước đó, vào tháng 11/2011, Facebook, Google, eBAy, AOL, Yahoo, Zynga, LinkedIn, Mozilla và Twitter cùng nhau đăng thông điệp toàn trang trên các báo lớn ở Mỹ gồm New York Times, Washington Post, Washington Times và Wall Street Journal để thể hiện sự phản đối. Kể từ đó, hàng trăm công ty, website, tổ chức phi lợi nhuận, học giả, luật sư, doanh nhân đã cùng lên tiếng.
Trước sự phản đối quyết liệt này, Quốc hội Mỹ tạm thời ngừng biểu quyết thông qua SOPA cho đến khi nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Dự luật này đang được ủng hộ bởi các nhà sản xuất nội dung như Hiệp hội điện ảnh Mỹ, Hiệp hội công nghệ ghi âm Mỹ, Phòng thương mại Mỹ, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) và các nhà phát triển phần mềm như Microsoft, Adobe, Apple…
Châu An