Trung Quốc nổi sùng vì bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ
Trung Quốc – đối tác dầu mỏ lớn nhất hiện tại của Iran đã nổi sùng khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đầu tiên lên một công ty quốc doanh của họ do làm ăn với Tehran.
Hôm qua (14/1), trước câu hỏi của phóng viên báo chí về việc hôm 12/1, Thượng viện Mỹ tuyên bố xử phạt công ty Chu Hải Chấn Nhung (Zhuhai Zhenrong) của Trung Quốc do làm ăn với Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân trả lời:
“Cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc duy trì quan hệ hợp tác năng lượng và thương mại. Việc Mỹ có ý đồ quốc tế hóa các biện pháp trừng phạt đơn phương của mình đối với Iran, dựa vào nội luật của mình để trừng phạt các công ty Trung Quốc là một việc làm hoàn toàn vô lý, không phù hợp với nội dung và tinh thần Nghị quyết về vấn đề hạt nhân của Iran do Hội đồng Bảo an thông qua.
Chúng tôi bày tỏ sự bất đồng sâu sắc và kiên quyết phản đối sự áp đặt vô lý này.”
Ngoài Zhuhai Zhenrong Corp của Trung Quốc, nhà cung cấp sản phẩm lọc, hóa dầu lớn nhất cho Tehran hiện tại, lệnh trừng phạt còn được áp dụng đối với công ty dầu Kuo của Singapore và FAL của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo đó, 3 công ty này sẽ không được làm ăn tại Mỹ, không cho phép Ngân hàng xuất nhập khẩu Mỹ tài trợ vốn cũng như nhận khoản vay 10 triệu USD từ các định chế tài chính Mỹ.
Việc này được coi là lời đáp trả cho những nỗ lực bất thành của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner hôm 11/1 trong việc thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc tăng cường sức ép lên Tehran nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân gây tranh cãi của đất nước Hồi giáo này.
Trung Quốc hiện là đối tác dầu mỏ quan trọng nhất của Iran, đồng thời luôn bày tỏ xu hướng bênh vực quốc gia Hồi giáo này. Mới đây, họ đã đưa ra lời cảnh báo với Mỹ và Israel về một thảm họa quy mô lớn nếu 2 nước này kiên quyết tấn công Iran.
Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc, ngay cả một số quốc gia thuộc EU như Italy, Tây Ban Nha cũng đang khá phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Iran và đang phải trì hoãn thời hạn áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran mà Hội nghị Ngoại trưởng các nước EU thông qua gần đây để tìm kiếm nguồn cung mới.
Hà Anh