Tàu cá Cà Mau bị hải quân Hoàng gia Thái Lan bắt giữ
Trong cuộc họp báo chiều nay (12/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong và ngoài nước về nhiều diễn biến liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Khi được đề nghị cho biết thông tin mới nhất liên quan tới vụ tàu cá Cà Mau (Việt Nam) và vụ 23 thuyền viên Việt Nam trên tàu cá Hàn Quốc gặp nạn ở Nam Cực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết:
“Về vụ tàu cá Cà Mau, theo thông tin từ Bộ Tư lệnh hải quân Hoàng gia Thái Lan thì ngày 2/1/2012, tàu cá của Cà Mau mang số hiệu CM99219 có 11 ngư dân trên tàu đã bị tàu hải quân của Hoàng gia Thái Lan mang số hiệu 542 bắt giữ do vi phạm vùng biển của Thái Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị |
Trong quá trình bắt giữ, tàu cá Việt Nam và tàu hải quân Thái Lan va chạm khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Tàu hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tiến hành cứu vớt 10 ngư dân, thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiếu đã được tàu cá khác cứu lên.
Hiện nay các tàu cá và các ngư dân đã an toàn, đang bị giữ ở tỉnh Trat của Thái Lan và sẽ bị xét xử theo đúng quy định của pháp luật Thái Lan. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh rõ vụ việc và sẽ tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong các trường hợp cần thiết”.
Về thông tin liên quan đến tàu Hàn Quốc bị cháy ở Bắc Cực, ông Lương Thanh Nghị dẫn nguồn tin Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại cũng như Trung tâm phối hợp cứu hộ New Zealand hôm nay (12/1) cho hay, 3 ngư dân mất tích được cho là đã chết trong khoang tàu, 3 ngư dân khác bị bỏng đã được đưa lên tàu nghiên cứu Mỹ được đưa về trung tâm nghiên cứu của Mỹ ở Nam Cực.
Theo dự kiến, tối nay, máy bay cứu hộ chở các bác sĩ cùng phiên dịch sẽ cất cánh lúc 21h30 theo giờ địa phương đi đón các thủy thủ bị thương để đưa về bệnh viện Christchurch để chăm sóc y tế, và toàn bộ số thủy thủ Việt Nam còn lại hiện đang phục hồi sức khỏe sẽ được đưa về sau cùng các thủy thủ khác. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi, tàu chở các thủy thủ được cứu sẽ cập cảng ở Christchurch vào ngày 19/1/2012.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand khẩn trương tiếp tục làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại để thực hiện các biện pháp giúp đỡ và bảo vệ cần thiết đối với các thuyền viên Việt Nam, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tiếp tục hoàn thiện làm việc với các đơn vị chủ tàu nhằm giải quyết quyền lợi thỏa đáng của các thuyền viên Việt Nam.
Trước câu hỏi về việc chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nhấn mạnh sự tăng cường có mặt của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có góp phần tăng cường hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: “Hòa bình, ổn định và phát triển là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước để phấn đấu vì những mục tiêu này”.
Khái quát những nét mới trong công tác bảo hộ công dân, ông Lương Thanh Nghị bày tỏ, trong năm qua và đầu năm nay, có rất nhiều vụ việc liên quan tới công tác bảo hộ công tác bảo hộ người dân như tình hình ở Libya, động đất sóng thần ở Nhật Bản và gần đây nhất là vụ tàu Vinalines Queen, rồi việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Trong tất cả các vụ việc liên quan tới công dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã luôn hết sức chủ động phối hợp với các Bộ ngành trong nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước sở tại xử lý thỏa đáng các vụ việc liên quan, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Đáng kể nhất là việc Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ ngành liên quan cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở các nước sơ tán an toàn hơn 10.000 công dân Việt Nam ra khỏi Libya, sơ tán công Việt Nam ra khỏi vùng bị thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản và cũng đã can thiệp, hỗ trợ, đưa về nước 1.094 ngư dân cùng 113 tàu cá bị các nước trong khu vực Đông Nam Á bắt giữ.
Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã rất khẩn trương phối hợp vận động nỗ lực quốc tế trong việc tìm kiếm cứu nạn các thủy thủ của tàu Vinalines Queen.
Ông Lương Thanh Nghị cho biết, trong năm 2012 cũng như trong những năm tới, công tác bảo hộ nhân dân vẫn tiếp tục là một trong những trọng tâm ưu tiên công tác của Bộ Ngoại giao.
Đỗ Hường