10 hiện tượng thiên văn ấn tượng nhất năm 2012
Gần như tháng nào trong năm 2012, chúng ta đều sẽ được quan sát những hiện tượng thiên văn thú vị như các trận mưa sao băng hay nhật thực, nguyệt thực
04/1: Mưa sao băng Quadrantid
Vào lúc đỉnh điểm, có tới khoảng 40 vệt sao trong 1 giờ. Sau 3 giờ sáng, khi Mặt trăng lặn là thời gian thuận lợi nhất để ngắm mưa sao băng Quadrantid.
Mưa sau băng Quadrantid |
20/2 – 12/3: Sao Thủy xuất hiện rõ nhất
Trong tháng 2 và tháng 3, sao Thủy sẽ đạt tới vị trí đủ xa so với tầm ánh sáng Mặt Trời nên chúng ta có thể quan sát thấy nó rất rõ ngay sau hoàng hôn. Sự xuất hiện của sao Thủy trong khoảng thời gian này sẽ còn rõ hơn nhờ ánh sáng từ hai hành tinh khác là sao Mộc và sao Kim.
Ngày 5/3, sao Thủy sẽ di chuyển tới vị trí xa nhất so với mặt trời, cũng là lúc sao Thủy sáng nhất. Sau ngày này, ánh sáng của sao Thủy sẽ mờ đi nhanh chóng.
3/3: Trái Đất đi ngang qua sao Hỏa
Ngày 3/3, trên quỹ đạo xoay quanh Mặt trời, Trái đất sẽ đi ngang qua sao Hỏa. Nhưng vì Hành tinh đỏ đạt tới điểm xa Mặt trời nhất vào ngày 15/2, nên việc quan sát vào thời điểm này sẽ không thật sự thuận lợi. Trên thực tế, 2 ngày sau khi gặp nhau, sao Hỏa mới ở vị trí gần Trái đất nhất trong chu kì quay lần này của mình – cách 62,6 triệu dặm.
Nhưng dù vậy, vào ngày 3/3, chúng ta vẫn có thể quan sát sao Hỏa bằng mắt thường từ Trái đất trong suốt một đêm. Lúc đó, sao Hỏa sẽ sáng gần bằng sao Thiên Lang – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.
13/3: Hai hành tinh sáng nhất cùng xuất hiện
Vào ngày này, chúng ta sẽ cùng một lúc được quan sát hai hành tinh sáng nhất hệ Mặt trời là sao Kim và sao Mộc ngay sau khi mặt trời lặn ở phía tây. Khi đó, chúng sẽ ở chếch nhau 3 độ. Khi đó, sao Kim trên đường di chuyển về phía tây bắc của sao Mộc và sáng gấp gần 8 lần sao Mộc.
5/5: Trăng tròn to nhất năm
Người dân các nước Bắc Mỹ sẽ thấy Mặt trăng to tròn nhất vào lúc 4h35 sáng (giờ GMT). Chỉ 25 phút sau đó, Mặt Trăng di chuyển tới vị trí gần Trái đất nhất trong suốt cả năm 2012 với khoảng cách là 221.801 dặm. Vài ngày sau đó, thủy triều được dự đoán là sẽ tăng cao đột ngột.
20/5: Nhật thực hình khuyên Do khi quan sát từ Trái đất, Mặt trăng trông có vẻ nhỏ hơn so với Mặt trời, hiện tượng này sẽ trông giống như hình ảnh 2 đồng xu xếp chồng lên nhau, ở đó, ánh sáng Mặt Trời sẽ tạo thành một quầng sáng hình nhẫn bao quanh vùng tối của Mặt trăng.
Hiện tượng này có thể quan sát được từ phía đông Trung Quốc; đông bắc, nam và miền trung Nhật Bản; quần đảo Aleutian Island (Alaska) và một số nơi ở Mỹ.
4/6: Nguyệt thực bán phần
Nguyệt thực bán phần sẽ xảy ra và có thể quan sát rất rõ tại vùng Thái Bình Dương. Người dân ở Hawaii có thể chiêm ngưỡng hiện tượng trên bầu trời vào khoảng giữa đêm, trong khi đó, tại Bắc Mỹ, nguyệt thực xảy ra trong thời gian khoảng giữa nửa đêm và rạng sáng.
5/6: Sao Kim đi ngang qua Mặt trời
Đây là một trong những hiện tượng thiên văn hiếm gặp nhất, thậm chí còn ít gặp hơn cả sự trở lại của sao chổi Halley sau mỗi chu kỳ 76 năm. Lịch sử mới ghi nhận 6 lần con người quan sát được hiện tượng này vào các năm 1639, 1761, 1874, 1882 và gần đây nhất là 2004. Lần tiếp theo xảy ra hiện tượng này sẽ là năm 2114.
Khi di chuyển qua Mặt trời, sao Kim sẽ xuất hiện rất rõ ràng nhưng chỉ nhỏ như một đốm đen với đường kính bằng 1/32 Mặt trời. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, cũng như khi quan sát nhật thực, việc quan sát sao Kim đi ngang Mặt trời cũng cần phải đặc biệt cẩn trọng để không gây hại cho mắt.
Những người ở Bắc Mỹ, phía tây và phía bắc của Nam Mỹ, phía tây và phía bắc của châu Á, Hawaii sẽ quan sát được phần đầu hành trình của sao Kim. Trong khi đó, toàn bộ châu Á, Alaska, Australia, Tây Âu, một phần châu Phi và đảo Madagascar là nơi có thể quan sát nửa sau của hiện tượng này.
Sao Kim đi ngang qua Mặt trời |
13/11: Nhật thực toàn phần
Đây là hiện tượng nhật thực toàn phần lần đầu tiên kể từ tháng 7/2010. Đường đi của nhật thực sẽ bắt đầu từ lãnh thổ Bắc Úc, vịnh Carpentaria (Úc), Queensland và sẽ kết thúc ở biển Thái Bình Dương.
13 – 14/12: Mưa sao băng Geminid
Hầu hết các chuyên gia về mưa sao băng đều cho rằng Germinid là trận mưa sao băng đẹp nhất và dễ quan sát nhất. Có thể quan sát trận mưa sao băng này ở Mỹ trong suốt đêm, ngay khi chòm sao Gemini mọc ở chân trời phía đông. Tới 2 giờ sáng (theo giờ Mỹ), trận mưa sao băng này có thể lên tới 120 vệt/giờ.
Lê My (theo MSNBC)