Khủng hoảng kinh tế, nghề đánh giày lên hương
Cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung Eurozone, đặc biệt là các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu “ngành nghề” tại những đất nước này.
Trước đây, ông Sousa từng làm việc ở một công ty xây dựng song vì tình hình kinh tế bi đát, công ty đã phải cắt giảm nhân viên. Và nhờ nghề đánh giày, vốn được tài trợ bởi một số tổ chức, ông Sousa đã sống được qua ngày với mức lương hàng tháng khoảng 113 euro (khoảng hơn 3 triệu đồng).
Cùng hoạt động trên một khu vực ở thủ đô Lisbon với ông Sousa còn có ông Jose Roque, người đã làm nghề đánh giày trong 30 năm qua và cũng là người chỉ bảo cho ông Sousa các kỹ năng cần thiết.
Hai người này gặp nhau trong một chương trình dạy nghề của tổ chức từ thiện Santa Casa de Misericordia de Lisboa phối hợp với tổ chức cho những người vô gia cư Cais. Nhờ chương trình này mà những nghề tưởng như đã biến mất theo thời gian như đánh giày, sửa giày lại đang “hồi sinh” trên các con phố ở thủ đô của Bồ Đào Nha.
Theo chương trình, hiện có khoảng 15 học viên và bốn giáo viên đang tham gia “giảng dạy” ngay trên các con phố ở Lisbon.
Với mỗi đôi giày được đánh có giá 2,5 euro còn với mỗi đôi bốt được đánh với giá 5 euro, những người như ông Sousa giờ đây đã có thể tạm thời quên đi nỗi lo về bữa ăn hàng ngày.
Song ở một quốc gia đang gặp khủng hoảng về tài chính như Bồ Đào Nha, hiện vẫn còn rất nhiều người thất nghiệp và đang phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, nói như ông Alcaro Pinto, Giám đốc tổ chức Pais, “liệu họ có thể mãi sống vào những đồng tiền trợ cấp của những người khác?” Thế nên, đánh giày có thể là một giải pháp hữu hiệu trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo Trà My
Vietnam+/AFP