5 phút nhìn lại một năm của những “không ngờ”
Không một ai, cho dù có tầm nhìn xa trông rộng đến đâu có thể dự đoán được thế giới lại xuất hiện bạo động lớn đến như vậy, cục diện phức tạp đến như vậy…
Đầu năm nay, không ai có thể nghĩ rằng sự kiện một thanh niên Tunisia tự sát lại đẩy toàn khu vực Tây Á – Bắc Phi vào biến động lớn đến thế.
Cũng đầu năm nay, Hi Lạp nổ ra khủng hoảng nợ công. GDP của Hi Lạp chỉ chiếm 2% của Châu Âu, ngỡ không là gì đối với một Châu Âu cường thịnh, nhưng rốt cuộc lại gây ra cuộc khủng khoảng nợ công tồi tệ, đảo ngược xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Ngày 11/3, Nhật Bản xảy ra động đất, không ngờ gây nên sóng thần và nhiễm xạ hạt nhân lớn như thế. Theo kế hoạch mới nhất vừa được công bố, Nhật Bản dự kiến phải mất 8-10 năm để loại sạch hoàn toàn ‘di chứng’ do thảm họa này để lại.
Đó là chưa nói đến những thách thức to lớn mà cả thế giới đang phải đối mặt như vấn đề năng lượng, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố…
Nhìn lại toàn năm, có thể nói không một ai, cho dù người đó có tầm nhìn xa trông rộng đến đâu có thể dự đoán được thế giới lại xuất hiện bạo động lớn đến như vậy, cục diện phức tạp đến vậy…
Xả súng tại Nauy, bạo loạn tại London, phong trào Chiếm Phố Wall, không ít chính phủ của các quốc gia bị lật đổ… Cách đây không lâu, tại Belgique, Ý lại xuất hiện vụ xả súng khiến hàng trăm người chết và bị thương. Cục diện khó khăn này khiến mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển của các nước đứng trước rất nhiều thách thức.
Năm 2011, Trung Quốc vượt Nhật Bản, vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Cách đây không lâu, Trung Quốc công bố Sách trắng về phát triển hòa bình, tuyên bố rằng “đi theo con đường phát triển hòa bình là lời cam kết nghiêm trang của chính phủ Trung Quốc với thế giới, là quốc sách cơ bản của Trung Quốc”. Mối quan tâm và cả ngờ vực của cộng đồng quốc tế với quốc gia này cũng vì thế mà tăng lên.
Gần đây, Mỹ điều chỉnh chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện tại khu vực này. Có người bày tỏ lo lắng, nghi ngờ hai nước cường quốc Trung – Mỹ không thể cùng chung sống hòa bình tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí cho rằng môi trường xung quanh đã xấu đi.
Tuy nhiên, có người lại cho rằng Châu Á – Thái Bình Dương đủ rộng cho cả hai cường quốc Trung – Mỹ cùng tồn tại và hợp tác.
Mỹ thay đổi chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương |
Cùng với quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng, chúng ta đang ngày càng không thể tách rời bản thân khỏi ngôi nhà chung, các khối lợi ích đan xen, các nước ngày càng phụ thuộc vào nhau. Đây là một tình thế hoàn toàn mới. Người ta đã không thể nhìn nhận thế giới và làm ngoại giao theo tư duy “một mất, một còn” của thời Chiến tranh Lạnh – thời kì mà người ta nhìn các mối quan hệ quốc tế như trò chơi có tổng bằng không (Zero–sum game).
Hòa bình, ổn định và phát triển đang là dòng chảy chính trong quan hệ quốc tế đương đại. Đây cũng là lựa chọn duy nhất của các nước trong tình hình hiện nay. Chiếm thuộc địa, xâm lược nước khác đã là con đường cũ, không thể đi. Những cách làm như tăng cường đồng minh quân sự, chạy đua vũ trang, tiến hành can thiệp quân sự đều không còn phù hợp với trào lưu thời đại.
Thế giới này không phải càng nhiều vũ khí càng an toàn; mà các nước càng phát triển, càng cần đi sâu vào hợp tác.
Sáng Nguyễn