Trung Quốc: Các cuộc biểu tình ôn hòa ở miền Nam bị đáp lại bằng bạo lực
Các nguồn tin cho biết chính quyền ở thành phố Hải Môn, Trung Quốc đã sử dụng cảnh sát chống bạo động, đánh đập những người biểu tình đến chết.
Đối đầu với cảnh sát
Một cuộc biểu tình lớn đã nổ ra ở Hải Môn, thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông vào ngày 20 tháng 12, hàng ngàn người đã xuống đường để phản đối việc chính quyền địa phương phê chuẩn xây dựng một nhà máy nhiệt điện thứ hai trong khu vực này. Phản ứng của ĐCSTQ hoàn toàn trái ngược với cách hòa giải trước đây ở Ô Khảm: họ đã sử dụng đến cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào đám đông và đánh đập những người biểu tình bằng dùi cui, dẫn đến 2 trường hợp bị tử vong.
Thành phố Sán Đầu nằm cách thị trấn Ô Khảm khoảng gần 100km, nơi những người biểu tình đã công khai phản kháng với chính quyền suốt gần hai tuần. Không rõ liệu những người biểu tỉnh ở Sán Đầu có phải làm theo người anh em Ô Khảm của họ hay không. Nhân dân Ô Khảm đã thành công xuất sắc trong việc thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế và buộc ĐCSTQ phải thừa nhận sai trái.
Các bản tin cho biết những người biểu tình đã bao vây trụ sở chính quyền thành phố, gây ra ùn tắc trên đường cao tốc Thâm Quyến – Sán Đầu. Hàng ngàn cảnh sát vũ trang đã được triển khai, đánh đập và bắt giữ những người biểu tình. Hai học sinh trung học 16 tuổi đã được báo cáo là bị đánh đập đến chết, theo tin được đăng trên Sina Weibo (thông tin chưa có điều kiện xác minh).
Không quan tâm đến người dân địa phương, chính quyền Sán Đầu đã xây dựng nhà máy nhiệt điện thứ nhất vào năm 2006, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Sau khi quyết định xây dựng nhà máy thứ hai được công bố, người dân địa phương đã nổi giận và tự phát xuống đường biểu tình, theo bà Lin, một người dân thành phố Hải Môn, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Quan chức chính quyền thành phố không dám đối thoại với người dân và bỏ trốn. Những người biểu tình, ước tính khoảng 30.000 người, đã nắm quyền kiểm soát trụ sở chính quyền thành phố bị bỏ rơi này, gây ùn tắc giao thông”, bà nói. (Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã chưa thể xác minh con số người biểu tình.)
Trong lúc đang nói chuyện qua điện thoại, bà Lin đã đến lối vào của đường cao tốc Thâm Quyến – Sán Đầu, ở đó bà cho biết tất cả giao thông đã bị phong tỏa. Vào lúc 4 giờ chiều ngày 20 tháng 12 bà nhận được một cuộc gọi khác từ phóng viên, bà đã hét lớn vào điện thoại: “Cảnh sát vũ trang đã đến và bắt đầu đánh đập những người biểu tình!”
Cả người dân và cảnh sát đều bị thương trong cuộc ẩu đả, bà nói, bao gồm một số người biểu tình đã bị đánh chết tại chỗ. Những người khác bị bắt giữ, và người dân bỏ chạy.
Một nhân chứng khác, cũng tên là Lin, nói với tờ Ming Pao của Hồng Kông rằng một người đàn ông khoảng 24 tuổi đã bị cảnh sát đánh đập dã man. Cô cùng với những người khác đã đưa anh ta vào bệnh viện, nhưng anh đã chết sau đó, cô nói với Ming Pao.
Một phóng viên của Đài Phát Thanh Hi Vọng đã gọi điện cho biết rằng nhân viên bệnh viện sẽ không cung cấp con số các học sinh thương vong hay báo cáo về tình trạng của các nạn nhân.
Các học sinh trường trung học Hải Môn đã bị các giáo viên ngăn cản rời đi vào buổi chiều hôm đó. Các giáo viên này đã vỗ về chúng ngồi xuống và cho mỗi học sinh một cốc mì ăn liền, lo rằng chúng sẽ tham gia biểu tình.
Thành phố Hải Môn, Sán Đầu, nổi tiếng về biển xanh và sạch, thủy sản phong phú, và được xem là một điểm có tiềm năng cao về du lịch của quốc gia. Tuy nhiên, nhà máy nhiệt điện Huaneng đầu tiên ở Hải Môn xây dựng ở thị trấn vào năm 2006 đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường và các vùng nước ven biển của địa phương. Thiệt hại lớn về số lượng và chất lượng cá đánh bắt đã buộc các ngư dân phải bỏ nghề. Khủng hoảng sinh thái phát sinh bởi nhà máy điện này và sự ô nhiễm của sông Lianjiang được xem như là những nhân tố chính dẫn đến tỉ lệ tử vong không tự nhiên của thành phố Hải Môn trong những năm gần đây là cao nhất tỉnh Quảng Đông. Với việc chính quyền tuyên bố xây dựng một nhà máy nhiệt điện thứ hai, người dân địa phương đã không thể nhịn được nữa.
Theo Đại Kỷ Nguyên/Tin180