Facebook, Twitter, YouTube cũng bị nhái tên miền
Ngay cả những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ internet như Google, Facebook, Twitter cũng bị nhái tên miền.
Hàng nhái Facebook giá chỉ hơn 1.000 USD
Tháng 12/2009, tên miền FWCEBOOK.COM, một tên miền website tương tự như mạng xã hội FACEBOOK.COM, được bán đấu giá trên trang web Sedo.com. Giá trả cao nhất vào thời điểm đó là 1.150 USD.
FWCEBOOK.COM là tên miền do công ty Virtual Investments LLC (Mỹ) chào bán. Đó chỉ là một trong vô số tên miền nhái Facebook tương tự được liệt kê trên Sedo và hầu hết tất cả đều nhái theo kiểu thay chữ “a” trong Facebook bằng một chữ cái khác (Fbcebook, Fccebook, Fdcebook…).
Theo mô tả của bên bán, những trang web này đều đạt số lượt truy cập “cực khủng” và mức tăng trưởng 2 chữ số mỗi tháng. Tuy nhiên, kết quả trên trang Compete.com (website đo lượng truy cập) cho thấy điều ngược lại.
Twitter hay Twiter?
Tháng 12 /2010, Twitter Inc. kiện chủ sở hữu tên miền Twittersearch.com với Tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Twittersearch.com được đăng ký vào tháng 3/2007. Đây là khiếu nại tranh chấp tên miền đầu tiên kể từ khi công ty được thành lập.
Số liệu của Compete cho thấy Twittersearch.com đạt hàng nghìn lượt truy cập mỗi tháng.
Theo thông tin mới nhất của Whois và dữ liệu của DomainTools, tên miền nhái này giờ đã phải chuyển nhượng cho Twitter Inc. dù tin tức về sự thay đổi chủ sở hữu không xuất hiện trên bất kỳ blog hoặc website tin tức nào.
Một trường hợp nhái tên miền tương tự là Twiter.com (một tên miền ăn theo Twitter để lừa khách kích vào các quảng cáo). Khi gõ Twiter.com, khách sẽ được chuyển thẳng đến một trang web đòi cung cấp thông tin cá nhân. Trong tháng 8/2010, twiter.com đạt 125.000 lượt người truy cập. Lượng truy cập bắt đầu giảm xuống sau khi trang web chuyển khách đến các trang web khác.
twiter.com chuyển khách đến một trang web đòi cung cấp thông tin cá nhân |
Theo DomainTools, twiter.com được đăng ký lần đầu tiên vào năm 2004, gần 2 năm trước khi Jack Dorsey giới thiệu trang web. Tuy nhiên, thông tin về người đăng ký đã thay đổi qua nhiều năm. Tháng 11/2011, Twitter đã đệ đơn tranh chấp tên miền twiter.com với Tổ chức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thế giới WIPO.
Twitter-search.com và Searchtwitter.com có thể là những tên miền tiếp theo bị tranh chấp, tuy vậy khả năng tranh chấp tên miền Searchtwitter.com là cao hơn. Theo Compete thống kê, Searchtwitter.com có lưu lượng truy cập tương đương, có lúc còn vượt lượng truy cập của Twittersearch.com. Chủ sở hữu tên miền Searchtwitter.com còn có trang trực tuyến For Sale bán tên miền này.
Để tránh vấn đề bản quyền tên miền, các trang web khác như TwitterCounter.com, một trang web có hơn 1 triệu khách truy cập mỗi tháng đã đăng ký tên miền với Twitter Inc. Nhưng đây chỉ là một động thái ngắn hạn, về lâu dài, công ty này sẽ muốn lấy lại bản quyền thương hiệu. Công ty cũng sở hữu tên miềnTwittermail.com.
YouTube mang tiếng oan
Cuối tháng11/2011, website hàng đầu trên thị trường video trực tuyến, youtube.com, tiếp tục bị nhái tên miền. Tất cả khách hàng sử dụng internet khi truy cập vào các website Youtub.com, youtbe.com, youtub.com, youube.com, và yutube.com đều bắt gặp một giao diện gần giống hệt với youtube.com. Từ màu nền trang web cho tới dấu hiệu đặc trưng nhất của YouTube là từ “Tube” được in trong ô chữ nhật đỏ.
Trong các trang web nhái tên miền, chữ “You” trong “Thank you” được in trên nền đỏ, có khả năng đánh lừa mắt người đọc. Người sử dụng được yêu cầu trả lời một số câu khỏi khảo sát về thông tin cá nhân để có thể nhận được những phần quà miễn phí như phiếu giảm giá khi mua hàng.
Hình ảnh một trang nhái YouTube.com |
Theo Whois (website cung cấp thông tin của người chủ sở hữu tên miền), tất cả những tên miền nhái này đều do cùng một người ở bang Illinois (Mỹ) đăng ký. Lượng khách truy cập vào website này lên tới hàng nghìn mỗi tháng. Theo báo cáo tháng 10, YouTub.com ghi nhận 6.000 lượt truy cập. Do sử dụng với mục đích không chính đáng, hiển nhiên phần thắng lần này lại thuộc về Google, đơn vị đang sở hữu YouTube.
Năm 2006, website utube.com khiếu nại bị hàng triệu khách hàng của youtube truy cập nhầm. Cuối cùng hãng này phải chuyển sang tên miền mới utubeonline.com nhưng vẫn giữ quyền sở hữu utube.com với lượng truy cập lên tới hàng triệu người một tháng.
Ngọc Khanh- Thu Thương (Tổng hợp)/Bee