10 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh mạnh nhất thế giới
Dựa vào 12 tiêu chuẩn đánh giá, báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2014–2015 đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hôm 2/9 vừa qua.
Sau đây là 10 quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh nhất thế giới.
10. Thụy Điển đứng vị trí thứ 10 trong năm nay, giảm 4 bậc so với năm trước dù tất cả các tiêu chí khá ổn định. Nhìn chung, Thụy Điển có thể chế vững mạnh, cơ sở hạ tầng tuyệt vời và điều kiện kinh tế vĩ mô lành mạnh. Quan trọng hơn, Thụy Điển đã tạo ra một loạt các điều kiện cho đổi mới.
9. Vương quốc Anh tăng 1 bậc lên vị trí thứ chín nhờ thâm hụt ngân sách và nợ công giảm. Ngoài những điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn này, Anh còn tiếp tục được hưởng lợi từ một thị trường lao động hiệu quả và mức độ phát triển tài chính cao.
8. Hà Lan tiếp tục giữ vị trí thứ tám nhờ năng lực cạnh tranh ổn định. Nhìn chung, Hà Lan tiếp tục thể hiện một loạt các thế mạnh về khả năng cạnh tranh, cho phép nền kinh tế duy trì mức độ năng suất cao. Một hệ thống giáo dục và đào tạo xuất sắc, cùng với việc áp dụng mạnh mẽ công nghệ và khả năng đổi mới tạo ra các doanh nghiệp có độ tinh vi cao, có thể cạnh tranh ở mức độ cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
7. Hồng Kông vẫn giữ được vị trí thứ bảy của mình. Nước này đã có mặt trong top 10 kể từ năm 2012. Hồng Kông đứng đầu thế giới về tiêu chí cơ sở hạ tầng, phản ánh chất lượng vượt trội đối với tất cả các phương thức vận tải. Nền kinh tế này cũng tiếp tục thống trị tiêu chí về phát triển thị trường tài chính nhờ mức độ cao về tính hiệu quả, đáng tin cậy và sự ổn định của hệ thống tài chính.
6. Nhật Bản có sự cải thiện nhiều nhất về xếp hạng trong 10 nền kinh tế hàng đầu, tăng 3 bậc nhờ những cải thiện nhỏ trên nhiều tiêu chí. Nước này tiếp tục có lợi thế cạnh tranh quan trọng trong mức độ tinh tế của các doanh nghiệp và trong hoạt động đổi mới. Mức chi tiêu cao cho hoạt động nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới và có nhiều nhân tài, cùng với khả năng đổi mới cao là những điểm mạnh của Nhật Bản.
5. Đức giảm 1 bậc xuống vị trí thứ năm trong năm nay do một số lo ngại về thể chế và cơ sở hạ tầng của nước này. Tuy nhiên, những cải thiện về kinh tế vĩ mô và sự phát triển về tài chính giúp củng cố vị thế của nước này. Nhìn chung, Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khá tốt, ít nhất là nhờ một phần lợi thế trong năng lực cạnh tranh của mình, trong đó bao gồm cả mức độ đổi mới cao trong hoạt động nghiên cứu phát triển và các doanh nghiệp có độ tinh tế cao.
4. Phần Lan rơi xuống vị trí thứ tư dù cả 12 tiêu chí đánh giá đều hoạt động tốt. Việc giảm thứ hạng này chủ yếu là do tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi đôi chút, khiến một số hãng đánh giá tín nhiệm hạ triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, Phần Lan tiếp tục có các tổ chức công hoạt động tốt và rất minh bạch cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
3. Mỹ giành lại vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh nhờ sự cải thiện trong một số lĩnh vực, bao gồm một số khía cạnh về khuôn khổ thể chế và những cảm nhận tích cực hơn về sự tinh tế và đổi mới của doanh nghiệp. Các công ty Mỹ được hỗ trợ bởi một hệ thống đại học tuyệt vời do có sự phối hợp chặt chẽ với hoạt động kinh doanh và nghiên cứu phát triển.
2. Singapore đứng thứ hai trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong năm thứ tư liên tiếp nhờ hoạt động ổn định và có phần nổi trội trong tất cả các tiêu chí của Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu. Một lần nữa trong năm nay, Singapore là nền kinh tế duy nhất đứng trong top 3 của 7 tiêu chí. Nước này cũng xuất hiện top 10 của 2 tiêu chí khác.
1. Thụy Sĩ dẫn đầu top 10 bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu trong năm thứ sáu liên tiếp. Trong số 12 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, Thụy Sĩ có 8 tiêu chí nằm trong top 10 thế giới. Các trường đại học hàng đầu, mức chi tiêu cao cho hoạt động nghiên cứu và phát triển và sự phối hợp chặt chẽ giữa học thuật và kinh doanh góp phần làm cho Thụy Sĩ trở thành quốc gia sáng tạo hàng đầu.
Theo NDH.