10 câu chuyện kinh điển về giáo dục rất đáng để suy ngẫm (P.2)
Đừng bao giờ khước từ khi một người lầm lạc muốn quay đầu lại, hãy cho họ một cơ hội để sửa sai vì không gì là quá muộn.
Câu chuyện thứ sáu: Hoa khai nở trên bàn thờ Phật
Có một tiểu hòa thượng, rất được lòng trụ trì. Vậy nên trụ trì đem hết những gì từng học truyền lại cho cậu, hy vọng cậu sẽ trở thành một đệ tử tốt. Chẳng ngờ trong một đêm, tiểu hòa thượng đã lén xuống núi, rồi bị những thứ người thường mê hoặc, từ đó phóng túng bản thân, chơi bời trụy lạc.
20 năm sau, trong một đêm khuya, ngoài cửa trăng sáng chiếu rọi vào lòng bàn tay vị hòa thượng này. Anh bỗng nhiên thấy hối hận, vội vã phi ngựa chạy đến chùa xin thầy tha thứ.
Phương trượng không thể chấp nhận được sự sa đọa của anh ta, không muốn thu nhận bèn nói: “Ngươi nghiệp chướng đầy mình, tâm đã rớt xuống địa ngục, nếu Phật tổ tha thứ trừ phi trên bàn thờ Phật có hoa nở”. Anh ta thất vọng đành xuống núi.
Ngày hôm sau, khi phương trượng bước vào Phật đường thì thấy trên bàn thờ Phật có những đóa hoa lớn khai nở. Trụ trì lập tức ngộ ra, vội xuống núi để tìm đồ đệ, nhưng đã quá muộn, hòa thượng kia vì nản lòng thoái chí nên vẫn tiếp tục cuộc sống phóng đãng như xưa.
Đêm đó, vị trụ trì đã qua đời, trước lúc lâm chung ông để lại một câu di ngôn: “Không có chuyện đi lạc đường rồi thì không thể quay đầu lại, không có lỗi lầm nào không thể sửa”.
Một ý nghĩ thành tâm hướng thiện thật vô cùng trân quý, giống như những đóa hoa khai nở trên bàn thờ Phật, nhưng đánh mất nó, không phải ở chỗ ngộ sai, mà là cái tâm hoài nghi, không độ lượng tha thứ.
Câu chuyện thứ bảy: Biết xem lại chính mình
Tại California, có một người phụ nữ nuôi một con vẹt quý. Con vẹt này rất đẹp, nhưng nó có một thói quen xấu: Thường ho ra tiếng, mà tiếng ho thì khàn khàn rất khó nghe, giống như trong họng có đờm khiến người nghe cảm thấy buồn nôn. Bà rất lo lắng, vì sợ nó mắc bệnh liên quan đến hô hấp nên đã mang nó đến bác sĩ thú y để khám bệnh.
Kết quả kiểm tra cho thấy vẹt hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ vấn đề gì. Bà hỏi lý do tại sao con vẹt lại có tiếng ho khó nghe như vậy, bác sĩ trả lời: “Con vẹt có tiếng ho này vì nó thường được nghe được âm thanh tương tự, gia đình bà có ai thường xuyên bị ho phải không?”.
Lúc này, bà cảm thấy có chút xấu hổ. Hóa ra bà có thói quen hút thuốc, vì vậy thường xuyên ho, con vẹt chỉ là nhại lại tiếng ho đó của bà.
Câu chuyện thứ 8: Vết thương tinh thần là vết thương khó lành nhất
Một con gấu bị thương nặng trong khi đánh nhau với đồng loại, nó đến một trạm kiểm lâm để xin cứu giúp.
Người kiểm lâm thấy nó đáng thương, quyết định cho nó ở lại. Buổi tối hôm đó, người kiểm lâm cẩn thận lau chùi, băng bó vết thương cho con gấu và chuẩn bị một bữa tối thật ngon cho nó ăn, tất cả những điều này khiến con gấu rất cảm động.
Đến giờ đi ngủ, vì chỉ có một chiếc giường, người kiểm lâm bảo con gấu lên nằm chung với mình. Khi con gấu chùm chăn lên, thấy mùi cơ thể của người kiểm lâm kia vô cùng khó chịu.
“Trời ạ! Tôi chưa bao giờ ngửi phải cái mùi khó chịu như thế này, ông quả thực là người hôi thối nhất trên đời!”.
Gấu không không biết nói gì, cũng không thể ngủ, miễn cưỡng đợi cho đến khi trời hửng sáng để cảm ơn người kiểm lâm rồi rời đi.
Nhiều năm sau trong một lần tình cờ gặp lại, người kiểm lâm hỏi con gấu:
“Hôm đó bạn bị thương rất nặng, vết thương bây giờ đã lành chưa?”
Gấu trả lời: “Đau đớn ngoài da thịt tôi đã quên rồi, nhưng vết thương tinh thần thì thật khó lành!”.
Câu chuyện thứ chín: Hãy cho cây cỏ dại thời gian để nở hoa
Một vị ẩn cư trong núi, rất cần cù siêng năng, vào mùa xuân hàng năm, cỏ dại trên bậc thềm ở sân nhà vừa nhú lên thì liền bị vị này nhổ sạch.
Một ngày, ông có việc đi xa, bèn nhờ một người bạn đến trông nhà giúp. Tuy nhiên người bạn này khá lười biếng, không bao giờ cắt cỏ dại trên bậc thềm, để mặc cho nó mọc um tùm.
Vào cuối mùa hè, một cây hoa dại nở, những bông hoa liên tục tỏa hương rất dễ chịu, hình dạng rất giống với hoa lan ở trong rừng, chỉ khác là mép cánh hoa lại có màu vàng. Người bạn cho rằng đây cũng là một loại Tịnh Lan, liền mang hoa đi hỏi một chuyên gia về thực vật. Sau một hồi quan sát kỹ lưỡng, chuyên gia hưng phấn nói:
“Đây là một loại hoa lan quý hiếm, rất nhiều người tìm cả đời cũng không được, nếu ở chợ hoa tại thành phố thì giá của một cây hoa này thấp nhất là chục triệu đồng”.
Người bạn này kinh ngạc đến ngây người. Ngày hôm đó khi vị ẩn sĩ kia biết được việc này đã vô cùng cảm khái nói:
“Thực ra, cây Tịnh Lan này mùa xuân năm nào cũng mọc ở đó, chỉ có điều nó vừa mọc lên thì đã bị tôi nhổ mất. Nếu như tôi kiên nhẫn đợi cho nó nở hoa, vậy thì vài năm trước đã phát hiện ra giá trị của nó rồi”.
Câu chuyện thú 10: Bông hoa hồng không bao giờ tàn úa
Trong một ngôi trường thời Liên Xô cũ, có một vườn ươm nở rất nhiều hoa hồng, mỗi ngày đều có học sinh đến ngắm nhưng không ai dám hái.
Một ngày vào sáng sớm, có một bạn nhỏ bốn tuổi (học tại nhà trẻ của ngôi trường này), đi vào vườn hoa, ngắt mấy bông hồng lớn nhất, đẹp nhất. Cô bé cầm những bông hoa đi ra nhưng không biết hiệu trưởng của ngôi trường đang đứng ở phía trước. Hiệu trưởng rất muốn biết tại sao cô bé lại hái hoa, liền cúi người xuống nhẹ nhàng hỏi:
“Này bạn nhỏ, con có thể cho ta biết con hái những bông này là để tặng ai không?”
“Tặng cho bà nội. Bà nội bị bệnh nặng, con bảo với bà là trường có rất nhiều hoa mà bà không tin, nên con hái vài bông mang về để cho bà xem, hy vọng bà mau khỏi bệnh, đợi bà nội xem xong con sẽ mang hoa trả lại”.
Nghe xong câu trả lời, vị hiệu trưởng rất cảm động, ông nắm tay cô bé, vào phòng hoa hái thêm hai bông hồng lớn nữa rồi nói:
“Bông này tặng cho con, con là một đứa trẻ hiểu chuyện; bông này tặng cho bà nội con, cảm ơn bà đã dạy dỗ con thành một đứa trẻ tốt như thế này”.
Vị hiệu trưởng này là Su Huomu Springs, một chuyên gia giáo dục vĩ đại, một tấm gương mẫu mực trong sự nghiệp trồng người.
Xem thêm: 10 câu chuyện kinh điển về giáo dục rất đáng để suy ngẫm (P.1)
Lê Hiếu, dịch từ Watchinese