Trung Quốc: Dân chơi chứng khoán là yêu nước
Một trong những bài toàn khó nhất trong nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại là giải quyết vấn đề tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế đứng đầu thế giới sẽ chính thức chạy chậm lại kể từ năm 2015 sau gần ba thập kỷ phát triển chóng mặt, cùng thời điểm với khối EU.
Trong khi giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của các nhà lãnh đạo EU không khiến các chuyên gia đặt nhiều nghi vấn, thì bài toán thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ vì tính phức tạp của nó. Thế nhưng, đương lúc vẫn còn loay hoay tìm giải pháp, chính phủ Trung Quốc lại đưa ra phương thức vực dậy tăng trưởng kinh tế theo lối “không giống ai”, đó là khuyến khích người dân bỏ tiền đầu tư chứng khoán.
Sở dĩ có sự khác biệt trong việc đưa ra giải pháp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giữa EU và Trung Quốc là vì sự giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc gắn liền với bài toán mô hình tăng trưởng, còn EU thì không. Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế mà EU đang mắc phải là do tác động kép từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp diễn ra năm 2010.
Cuộc khủng hoảng kép ấy đã khiến cỗ máy kinh tế của Liên minh châu Âu bị khô dầu trong một thời gian dài, dẫn đến việc mòn động cơ và khiến việc vận hành gặp khó khăn. Do đó, cách giải quyết của EU chỉ đơn giản là bơm thêm dầu, và tính toán lượng dầu cần thiết để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, vấn đề của Trung Quốc lại không đơn giản như thế, vì sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc gắn liền với mô hình tăng trưởng mà chính phủ nước này chọn lựa khi mở cửa nền kinh tế trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đó là mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư nước ngoài và hàng xuất khẩu.
Theo đó, mục tiêu của chính phủ Trung Quốc là tìm mọi cách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, kể cả việc hạ thấp một số tiêu chuẩn như môi trường hay mức độ lạc hậu nhất định của công nghệ, trong đó ưu tiên hàng đầu là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu. Phần lớn nguồn thu ngân sách dồi dào của Trung Quốc trong những năm qua đến từ hàng xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, mô hình này đã chạm mức thấp nhất và không thể tiến xa hơn. Nếu Trung Quốc khôi phục tốc độ tăng trưởng trước kia, thì nước này buộc phải tìm kiếm một mô hình tăng trưởng khác hiệu quả hơn.
Nói cách khác, nếu như vấn đề của EU là chiếc xe hơi kinh tế bị khô dầu và chỉ cần bơm dầu là ổn, thì nền kinh tế Trung Quốc hiện nay giống một chiếc xe máy, dù có bơm bao nhiêu dầu cũng không thể chạy nhanh hơn được. Muốn nhanh hơn, người Trung Quốc cần phải từ bỏ chiếc xe máy và sắm xe hơi như EU.
Tuy nhiên, có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn rất gắn bó với chiếc xe máy của mình, khi họ tìm mọi cách để tăng tốc cho nó, thậm chí dù phải dùng đến những cách không giống ai. Thay vì tập trung tìm kiếm và thiết lập một chiếc xe hơi kinh tế, Bắc Kinh lại đang cố thúc chiếc xe máy chạy nhanh hơn bằng mọi cách, trong đó có cả việc bơm thuốc kích thích.
Theo đó, một trong những mục tiêu hàng đầu mà Bắc Kinh đang hướng tới để vực dậy nền kinh tế là vận động người dân bỏ tiền vào thị trường chứng khoán.
Tư duy của Bắc Kinh trong vấn đề này là: Một khi thị trường chứng khoán được khuấy động mạnh mẽ, thì nền kinh tế cũng sẽ được hưởng lợi và nhộn nhịp trở lại mà không cần đến những biện pháp hỗ trợ từ phía chính phủ, như giảm lãi suất cho vay hay tung ra các gói kích thích kinh tế.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch này khi tuyên bố giảm một nửa chi phí khi mở tài khoản cổ phiếu cho các cá nhân và tổ chức bắt đầu từ tháng 9/2014. Cùng với đó là một chiến dịch tuyên truyền rộng rãi đến người dân Trung Quốc, khuyến khích họ chơi chứng khoán như một hoạt động “ích nước lợi nhà”, với câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Chơi chứng khoán là yêu nước”.
Về lý thuyết, việc Bắc Kinh đầu tư vào cổ phiếu để vực dậy nền kinh tế cũng không hẳn là phi lý. Một trong những giải pháp cơ bản của các chính phủ và ngân hàng trung ương khắp nơi trên thế giới khi muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tạo nên tình trạng sôi động của thị trường chứng khoán, vì theo lý thuyết thị trường chứng khoán là nơi thu hút vốn của doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán hoạt động mạnh mẽ đồng nghĩa với nền kinh tế đang tăng trưởng thuận lợi. Tuy nhiên, cách thức thường được dùng để khuấy động thị trường chứng khoán là các gói kích thích kinh tế do chính phủ triển khai, như Nhật Bản và EU đang thực hiện, chứ không phải là móc tiền túi của dân để ném vào chứng khoán như Bắc Kinh đang làm.
Các chuyên gia đang cho rằng, việc thúc đẩy người dân bỏ tiền túi ra để bỏ vào thị trường chứng khoán như một cách thúc đẩy thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, và thể hiện sự vô trách nhiệm của chính phủ Trung Quốc. Nếu như Bắc Kinh muốn thúc đẩy thị trường chứng khoán để cứu vãn nền kinh tế thì họ phải tự bỏ tiền ra thực hiện bằng các gói kích thích kinh tế. Đây được xem là một nghĩa vụ trong việc điều hành nền kinh tế của chính phủ, chứ không phải đem tiền của người dân ra làm tốt thí vào lúc này.
Điều đáng nói là, không ít bộ phận người dân đang lao vào cơn sốt chứng khoán do chính phủ Trung Quốc tạo ra bằng khoản tiền tiết kiệm của mình. Tuy nhiên, đối với những người Trung Quốc, chuyện này cũng chẳng có vấn đề gì, vì chuyện sử dụng thuốc kích thích trong mọi lĩnh vực đã là điều quá quen thuộc ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Và việc chính phủ đang biến người dân thành một thứ thuốc kích thích kỳ quái để bơm vào chiếc xe máy kinh tế cũng không có gì là lạ.
Theo Motthegioi